Không có ngay chi tiết về một kế hoạch cứu nguy được đề xuất cho Hy Lạp, và đã được hai nước nặng ký ở Châu Âu là Pháp và Đức thỏa thuận hồi khuya hôm qua. Nhưng một thông cáo công bố sau cuộc họp giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp và Thủ tướng Angela Merkel của Đức nói rằng kế hoạch sẽ bao gồm sự tham gia của khu vực ngân hàng – một yêu cầu chính của Đức.
Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU sẽ thảo luận đề nghị đó trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels, tiếp theo tình trạng hoảng loạn ngày càng tăng trong các thị trường tài chính. Mối quan ngại đã mở rộng vượt ra ngoài tình hình tài chính lung lay của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland – cả ba nước đều đã nhận được các kế hoạch cứu nguy của EU –lan tới Tây Ban Nha và Italia.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rằng vụ khủng hoảng Hy Lạp có thể lây lan sang các nước khác cùng sử dụng đồng euro. Các chuyên gia nói rằng Hy Lạp sẽ cần đến một khoản cứu nguy thứ nhì chừng 157 tỷ đôla.
Phát biểu với các phóng viên hôm qua, người đứng đầu Ủy hội Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso nói rằng các vấn đề mà khôi sử dụng đồng euro gồm 17 nước phải đối phó có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông Barroso nói: “Không một ai nên mang bất cứ ảo tưởng nào, Tình hình rất nghiêm trọng. Nó đòi hỏi một sự đáp ứng – nếu không thì các hậu quả tiêu cực sẽ tác động đến tất cả mọi nơi ở Châu Âu và những nơi khác nữa.”
Ông Barroso phác thảo những gì cần thiết để giải quyết vụ khủng hoảng – trong đó có việc ứng phó với khoản nợ công của Hy Lạp và khu vực ngân hàng đang chật vật chống chỏi với tình hình, và làm cho ngân khoản cứu nguy của khu vực euro linh động hơn.
Chuyên gia kinh tế Venessa Rossi, thuộc viện chính sách của tổ chức Chatham House ở London, nói điều cấp thiết là các nhà lãnh đạo EU phải đạt được một thỏa thuận rõ ràng cho Hy Lạp tại cuộc họp thượng đỉnh.
Bà Rossi nói: “Nếu họ không làm như vậy, thì tôi nghĩ là ước đoán về các nước khác đang gặp khó khăn sẽ thực sự trở nên tệ hại hơn và chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng.”
Bà Rossi nói EU phải đối phó với cảm nghĩ ngày càng tăng rằng Hy Lạp sẽ không có khả năng trả được nợ, cho dù nước này kiếm cách sử dụng ngôn từ ít gây báo động hơn.
Bà Rossi nói tiếp: “Chúng ta phải hết sức rõ ràng về khoản tiền được đưa ra bàn thảo, điều gì sẽ xảy ra trong vài năm sắp tới mà việc tài trợ được bảo đảm, và điều hoàn toàn đúng đây là hiện tượng sắp tiến tới mức mà các cơ quan tín dụng gọi là tái cấu trúc.”
Bà Rossi và các chuyên gia khác tin rằng nếu các nhà lãnh đạo EU đưa ra các quyết định gay gắt một lần nữa, thì các khó khăn tài chính của khối sử dụng đồng euro sẽ chỉ tiếp tục tăng thêm trong mùa hè – và mở đường cho một mùa thu rất gay go sắp tới.
Có niềm hy vọng mới là các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu họp tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn hôm nay sẽ đi đến một thỏa hiệp chi tiết cho Hy Lạp đang bị nợ nần chồng chất sau khi hai thành viên mạnh nhất của EU đạt được thỏa thuận. Từ Paris, thông tín viên VOA Lisa Bryant tường thuật rằng có rất nhiều rủi ro – vào lúc các mối lo ngại ngày càng tăng rằng khối sử dụng đồng euro có thể tan rã.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1