Đường dẫn truy cập

EU sắp ký thương ước với Singapore, tránh chỉ trích Trung Quốc


Hội nghị ASEM diễn ra ở Brussels ngày 19/10/2018
Hội nghị ASEM diễn ra ở Brussels ngày 19/10/2018

Liên hiệp châu Âu dự kiện ký một thỏa thuận thương mại với Singapore hôm 19/10 sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á muốn đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, nhưng những nỗ lực khuyến khích Trung Quốc bỏ trợ cấp nhà nước đã bị Bắc Kinh chống lại.

Hội nghị Á-Âu hai năm một lần (ASEM) quy tụ các nhà lãnh đạo đại diện cho 65% sản lượng kinh tế toàn cầu – đến từ EU, Thụy Sĩ, Na Uy và 21 nước châu Á, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Bản thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ không bao gồm lời kêu gọi các chính phủ chấm dứt làm méo mó các giao dịch thương mại, theo thông tin về bản thảo mới nhất và theo lời các nhà ngoại giao EU.

Trung Quốc đã đề nghị về những thay đổi đó trong cuộc đàm phán qua đêm với các quan chức cấp cao của EU và châu Á, hai nhà ngoại giao cho biết. Thay vào đó, tuyên bố sẽ cam kết về “thương mại tự do và cởi mở trên một sân chơi bình đẳng” và chống lại “tất cả các hình thức bảo hộ”, một lời nói gián tiếp về thuế quan mà Tổng thống Trump của Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc trực tiếp trợ giá cho các công ty nhà nước thông qua các ngân hàng Trung Quốc để giúp họ thống trị thị trường toàn cầu, phá vỡ các quy tắc do Tổ chức Thương mại Thế giới đặt ra, trong khi Trung Quốc là thành viên của tổ chức.

Sau các phiên họp về cải thiện kết nối và hệ thống đa phương, cũng như một loạt các cuộc họp song phương, hội nghị thượng đỉnh dự kiến kết thúc hôm 19/10 với việc EU ký một hiệp ước với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Công tác chuẩn bị cho hiệp ước này đã kéo dài 8 năm. Các cuộc đàm phán kết thúc năm 2014, nhưng khi xảy ra ngày càng nhiều hoạt động phản đối các hiệp ước thương mại khác, như bản dự kiến sẽ ký với Mỹ và bản đã đạt được với Canada, hiệp ước với Singapore đã được chuyển đến Tòa án Tư pháp châu Âu để được chuẩn thuận.

Ủy ban châu Âu hy vọng hiệp ước này, vẫn cần được Nghị viện châu Âu hậu thuẫn, sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Nó có thể là bước tiếp theo của một hiệp định thương mại tự do lớn hơn mà EU lên kế hoạch với Nhật Bản, và sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên của EU với một thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước.

EU vẫn quan tâm đến một hiệp định với toàn bộ khối ASEAN, sau khi các cuộc đàm phán bị hoãn lại hồi năm 2009. Trong khi đó, các nhà đàm phán EU đã đạt thỏa thuận về một hiệp định thương mại với Việt Nam, và đang đàm phán với Indonesia, cũng như đã đàm phán với ba thành viên ASEAN khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG