Đường dẫn truy cập

EU quan ngại Việt Nam bắt giữ và kết án người bảo vệ nhân quyền


Người Việt biểu tình vì nhân quyền cho Việt Nam t ại Berlin, Đức.
Người Việt biểu tình vì nhân quyền cho Việt Nam t ại Berlin, Đức.

Liên minh châu Âu nói họ quan ngại về việc bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và những nhà vận động môi trường của Việt Nam và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền của quốc gia Đông Nam Á trong khi phải tiếp tục hợp tác với các quan chức nước này.

Một người phát ngôn của EU cho VOA biết như vậy khi trả lời yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra ngay trước khi EU và Việt Nam tổ chức Đối thoại Nhân quyền hôm 4/7, trong đó tổ chức có trụ sở ở Mỹ thúc giục liên minh “cân nhắc lại” cuộc đối thoại và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng đàn áp ngày một gia tăng của chính quyền Hà Nội.

EU và Việt Nam tổ chức cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 12 hôm 4/7 ở Brussels của Bỉ.

Theo sau HRW, một tổ chức nhân quyền quốc tế khác, Article 19, cùng một số tổ chức và xã hội dân sự hôm 4/7 đưa ra lời kêu gọi đối với EU để thúc giục chính quyền Việt Nam bãi bỏ các luật lệ và quy định mang tính đàn áp cũng như việc truy tố và quấy rối các nhà báo, nhà hoạt động và những người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Trong bức thư chung do Article 19 công bố, 8 tổ chức và cá nhân – gồm cả nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Quang A của Diễn đàn Xã hội Dân sự, giám đốc điều hành Sáng kiến Pháp lý (LIV) cho Việt Nam Trần Quỳnh Vi, và Mạng lưới Nhân quyền châu Á (ADN) – nêu quan ngại rằng Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người và vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế.

Cả HRW, Article 19 cùng các tổ chức xã hội dân sự đều kêu gọi EU gây áp lực lên chính phủ Hà Nội để lật ngược các bản án hình sự đối với những nhà báo và nhà hoạt động danh tiếng cũng như chấm dứt mọi hành vi nhằm đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

“Chúng tôi chia sẻ những quan ngại của xã hội dân sự về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là các vụ bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà vận động môi trường vì cáo buộc tội chống nhà nước hoặc trốn thuế,” người phát ngôn của EU nói với VOA qua email. “EU liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người bị giam giữ và đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong lời kêu gọi của HRW gửi tới EU. Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của HRW và các tổ chức quốc tế khác về hồ sơ nhân quyền yếu kém của họ.

Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) gần đây đưa ra đánh giá trong báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024 rằng người dân Việt Nam “không an toàn” trước nhà nước trong khi các quyền tự do dân sự và chính trị đang “ngày càng xấu đi.”

HRW nói Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người vì lên tiếng phê phán chính quyền nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần nói rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị giam giữ ở Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi nhân quyền ở Việt Nam và làm việc với tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình,” người phát ngôn của EU cho biết, và nói rằng EU cũng đang hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ ở địa phương thông qua các chương trình hợp tác phát triển để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Trong lời kêu gọi đưa ra hôm 3/7, HRW nói rằng một số vi phạm chính của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn, như trừng phạt các lãnh đạo nhà nước, để buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống.

Trong khi đó, 8 tổ chức nhân quyền và dân sự, trong bức thư chung đưa ra hôm 4/7, kêu gọi EU tiếp tục hỗ trợ các tổ chức dân sự tại Việt Nam đồng thời khuyến khích các công ty công nghệ hoạt động tại đây “áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ quyền tự do biểu đạt.”

“Bất chấp những lo ngại,” người phát ngôn của EU nói, “chúng tôi tin rằng EU phải tiếp tục hợp tác với chính quyền [Việt Nam] và trên thực địa. Cơ hội sẵn có tiếp theo là Đối thoại Nhân quyền.”

Cả EU và Việt Nam đều chưa công bố thông tin về kết quả hay chi tiết của các cuộc thảo luận tại Đối thoại Nhân quyền hôm 4/7.

Sau cuộc Đối thoại Nhân quyền vào tháng 6 năm ngoái, EU và Việt Nam đưa ra thông cáo chung, trong đó “hai bên cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị” và “EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG