Đường dẫn truy cập

NATO, EU bênh vực thành tích cứu di dân Châu Phi


Dân thành phố Misrata, Libya đến cảng để lên tàu chạy lánh nạn
Dân thành phố Misrata, Libya đến cảng để lên tàu chạy lánh nạn

NATO và Liên Hiệp Châu Âu nói rằng họ đang làm những gì có thể làm được để giúp các di dân Châu Phi gặp nạn ngoài biển do Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp.

Trong lúc hằng trăm di dân tiếp tục vượt biển từ Bắc Phi tới Châu Âu, và số tử vong tăng cao, thì cũng có nhiều thắc mắc về nỗ lực cứu người bị đắm tầu trên biển.

Nhật báo Guardian của Anh tường thuật rằng những người Châu Phi sống sót từ một con tầu gặp nạn đã tố cáo các đơn vị quân đội của Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh NATO là làm ngơ trước lời kêu cứu của họ.

Và hôm Thứ Ba, cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Liên minh NATO và Liên Hiệp Châu Âu can thiệp để cứu mạng, sau khi có tin về một chiếc thuyền chở hằng trăm người Châu Phi bị đắm ở ngoài khơi bờ biển nước Ý.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, phát ngôn nhân của Liên minh NATO, Carmen Romero, nói rằng mặc đầu sứ mạng của NATO là bảo vệ thường dân tại Libya, liên minh cũng cứu giúp những người ngoài biển.

Bà nói: “Mặc dầu họ đang thi hành sứ mạng đó, các chiến hạm dưới quyền chỉ huy của NATO sẽ luôn luôn đáp ứng lời kêu cứu của các tầu ngộ nạn. Đây là bổn phận theo Luật Hàng Hải và khi nói rằng các thuyền trưởng của tầu chúng tôi không làm như vậy là bất công và . . . thiếu kính trọng.”

Bà Romero nói rằng lấy thí dụ hồi tháng Ba, NATO đã giúp hai tầu bị đắm chở 500 người. Bà cũng cho biết có những tố cáo chính phủ Libya mới đây đã buộc các di dân phải lên ít nhất một chiếc tầu rồi trong chốc lát tàu này đã bị đắm.

Một phát ngôn nhân của Liên Hiệp Châu Âu nói rằng cơ quan bảo vệ biên giới FRONTEX của Âu Châu cũng đã cứu những người gặp nạn ngoài biển.

Phát ngôn viên của EU nói: “Đây là chương trình Hermes và chúng tôi đã thấy họ hành động hồi cuối tuần này tại đảo Lampesuda của Ý, nơi hằng chục người được cứu ở ngoài khơi bờ biển Lampesuda.

Phân tích gia Hugo Brady, thuộc Trung Tâm Cải Tổ Châu Âu có trụ sở ở London, nói rằng việc di cư bằng đường biển từ Châu Phi tới Châu Âu đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng số người vượt biển đã gia tăng mạnh cùng với những cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập mới đây.

Phân tích gia Brady nói: “Lý do tại sao Mùa Xuân Ả Rập đã tạo ra nhiều bất ổn về phương diện di dân rõ ràng là dân chúng tìm cách thoát khỏi một tình huống rất khó khăn."

Ông Brady nói rằng tình hình xáo trộn tại Tunisia, Libya, và các nơi khác cũng có nghĩa là các nước này không còn kiểm soát vùng duyên hải của họ để ngăn chặn dân chúng vượt biển tới Âu Châu nữa.

Cảnh ngộ của những di dân vượt biển này là một phần trong cuộc tranh luận lớn hơn tại Châu Âu về phương cách giải quyết vấn đề những người chạy lánh cuộc biến động tại các nước Ả Rập.

Thí dụ có các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề siết chặt hiệp định Schengen về biên giới mở ngỏ của Châu Âu.

Ông David Nichols, giám đốc kỳ cựu của Hội Ân Xá Quốc Tế ở Brussels nói rằng, Châu Âu nên đón nhận các di dân này, chứ không nên xua đuổi họ.

Ông nói: “Tất cả các ngôn từ hoa mỹ tới từ Âu Châu đều hoàn toàn không chính trực và đã xiên lệch từ lâu nay liên quan đến việc ngăn cản người dân vượt biển tới Châu Âu và ngăn chặn họ vượt qua biên giới các nước châu Âu. Họ chẳng thật sự giúp đỡ những người lâm vào tình cảnh tuyệt vọng.”

Bộ trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận về vấn đề di dân Châu Phi và phương cách đối phó với vấn đề đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG