Bản tuyên bố dự thảo về một hội nghị giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu sẽ diễn ra cuối tháng này cho thấy Washington và EU sẽ cam kết có hành động chung để xử lý những mối quan ngại tập trung vào các hành vi phi thị trường của Trung Quốc, và hai bên sẽ cũng phối hợp kiểm soát xuất khẩu của họ đối với chất bán dẫn và các hàng hóa khác.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager và các quan chức cấp cao khác dự kiến sẽ gặp nhau trong hội nghị lần thứ tư của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) ở Lulea, Thụy Điển, vào ngày 30-31/5.
Tuyên bố dự thảo mà Reuters được xem viết rằng hai bên sẽ xử lý các hành vi phi thị trường và cưỡng ép kinh tế, đồng thời nhắm đến tổ chức các cuộc hội đàm thường xuyên bàn về nỗ lực để ngăn chặn thông tin quý của các công ty của họ bị gắn vào việc đầu tư ra nước ngoài và giúp cho công nghê của các đối thủ chiến lược - một cụm từ ám chỉ Trung Quốc.
Họ cũng sẽ phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với "các mặt hàng nhạy cảm" - bao gồm hàng hóa có chức năng quân sự - và chất bán dẫn, tuyên bố cho biết, văn bản này chỉ đề cập đến Trung Quốc hai lần và vẫn có thể còn thay đổi nội dung trước khi hội nghị diễn ra.
Brussels nói rằng họ coi Trung Quốc là đối tác trong một số lĩnh vực, đồng thời là đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ chiến lược. Liên hiệp châu Âu có kế hoạch điều chỉnh lại chính sách Trung Quốc của họ, nhìn nhận rằng cần phải phối hợp với một Hoa Kỳ có quan điểm diều hâu hơn.
Nêu bật lên lĩnh vực thiết bị y tế ở Trung Quốc, văn bản này nói rằng các đối tác xuyên Đại Tây Dương đang "suy xét các hành động khả dĩ" trước mối đe dọa do các chính sách và hành vi phi thị trường gây ra.
Họ cũng đặt mục tiêu hợp tác trong các nỗ lực chống lại sự thao túng thông tin của nước ngoài, bao gồm cả "việc Trung Quốc khuếch đại các lời lẽ, thông tin sai trái của Nga về cuộc chiến" ở Ukraine.
Hai bên cũng cho biết họ cam kết hợp tác với G-7 để phối hợp hành động nhằm chống lại các hành vi cưỡng ép kinh tế, chẳng hạn như các hạn chế thương mại mà Trung Quốc đã áp đặt đối với thành viên EU là Litva.
(Reuters)
Diễn đàn