Quỹ Khí Hậu Châu Âu phúc trình rằng Liên Hiệp Châu Âu cần đầu tư hơn 9500 tỉ đô la để đạt được mục tiêu cắt giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Tức là đầu tư thêm khoảng 2/3 số tiền mà khối này đã đề ra cho công trình này.
Nhưng cuộc khảo cứu được đệ trình trước Ủy Hội Châu Âu cũng nói rằng, chi tiêu về năng lượng của Châu Âu sẽ bắt đầu giảm xuống vào năm 2020, nếu khối này thực hiện các công cuộc đầu tư đúng và sớm.
Để đạt được những mục tiêu này, Giám đốc chấp hành Quỹ Khí Hậu Châu Âu, ông Jules Kortenhorst, nói rằng, các nước Châu Âu cần cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng và khuyến khích đầu tư dài hạn vào các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Ông nói rằng, Châu Âu cũng phải thiết lập mạng lưới điện xuyên quốc gia.
Ông Kortenhorst nói: "Tại sao mạng lưới đó lại quan trọng như vậy? Bởi vì mạng lưới điện xuyên quốc gia cho phép Châu Âu sử dụng lực đòn bẩy vì Châu Âu có năng lượng mặt trời ở phía Nam và năng lượng gió từ Biển Bắc và Đại Tây Dương và nhiều năng lượng sinh học tại Trung và Đông Âu, và thủy điện tại Thụy Sĩ và Scandinavia. Gộp tất cả những nguồn năng lượng đó lại với nhau thì những nguồn năng lượng tái tạo này sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong nguồn cung cấp điện cho Châu Âu."
Châu Âu đang ở tuyến đầu của những nỗ lực cắt giảm khí thải nhưng khối này vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa và khí đốt nhập khẩu. Tuần trước, dự án xây dựng hệ thống ống dẫn dầu mới cho phép Nga bơm khí đốt trực tiếp sang Đức qua đáy biển Baltic đã khởi sự. Những dự án ống dẫn dầu khác cũng đang hoạt động.
Ông Kortenhorst nói rằng, cuộc khảo cứu thuộc Quỹ của ông là một khuôn mẫu cho một Châu Âu sạch hơn và ít lệ thuộc hơn về năng lượng.
Ông cho biết: "Theo thời gian, kết quả các tình huống mà chúng tôi đã đề ra, Châu Âu sẽ bớt lệ thuộc vào khí đốt thiên nhiên hơn, sẽ có nhiều khả năng hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của chính mình, và nhờ vậy cần ít hơn khí đốt nhập khẩu từ nước ngoài, chẳng hạn như từ Nga."
Cuộc khảo cứu bao gồm cả năng lượng hạt nhân trong các nguồn năng lượng khác nhau, trong khi năng lượng hạt nhân vẫn là một đề tài gây tranh cãi gay gắt ở Châu Âu. Ông Kortenhorst nói Châu Âu còn phác họa ra những giải pháp thay thế cho các nước chống đối chính sách năng lượng hạt nhân.
Một phúc trình mới cho hay, Liên Hiệp Châu Âu có thể cắt giảm chi phí về năng lượng và đạt được mục tiêu giảm bớt 80% khí thải carbon vào năm 2050 bằng cách đầu tư thật nhiều, thật nhanh vào lãnh vực năng lượng tái tạo và những mạng lưới năng lượng cấp vùng. Thông tín viên Lisa Bryant tường thuật cho đài VOA từ Paris.