Truyền thông trong nước hôm 31/8 đồng loạt đăng thông tin ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “làm việc tại VN Pharma”, công ty đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận vì nhập lậu thuốc chữa bệnh ung thư giả.
Khi được báo Tuổi Trẻ hỏi về “sự thật” có phải em chồng của bà Tiến “có làm việc ở công ty VN Pharma không, và làm chức vụ gì”, ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty này cho biết rằng ông Dũng “làm phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư cho công ty vì nghề của anh ấy chuyên về xây dựng” từ “năm 2013 hoặc 2014”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với bà Tiến để phỏng vấn, nhưng trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin rằng một người nhà của Bộ trưởng Tiến là một lãnh đạo của VN Pharma nhưng bà đã phủ nhận điều này.
Trong dòng trạng thái viết trên Facebook hôm 28/8, luật sư Trần Vũ Hải viết: “Theo tôi, ông Hoàng Văn Dũng, em chồng bà Tiến (được cho là Phó Tổng giám đốc VN Pharma trước khi xảy ra vụ án) cần lên tiếng phản hồi, dù là em chồng, nhưng theo luật ông không được coi là người thân của bà Tiến. Ngoài ra để thể hiện nghiêm minh, bà Bộ trưởng cần yêu cầu thanh tra Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thanh tra toàn bộ các cuộc đấu thầu dược mà công ty này đã trúng!”
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu tiến hành điều tra vai trò của Bộ Y tế trong vụ scandal đang gây rúng động dư luận về cáo buộc làm giấy tờ giả để phân phối thuốc chữa bệnh ung thư giả.
Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ thường kỳ hôm 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thanh tra chính phủ phải “rất nghiêm túc” điều tra vụ việc này vì công chúng đang rất quan tâm.
Thanh tra chính phủ được giao nhiệm vụ điều tra việc cấp phép nhập khẩu và cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. “Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm,” Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được Người Lao Động trích lời nói tại cuộc họp này và cho biết vụ việc đã làm người dân không còn tin vào ngành y tế.
Ông Phạm Nam, một dược sỹ ở Hà Nội, cho VOA biết rằng mặc dù vụ việc này còn đang được điều tra nhưng “nhiều người muốn bộ trưởng Y tế phải bị cách chức và người dân đã mất lòng tin vào bộ này”.
Hôm 25/8, 6 lãnh đạo và nhân viên của VN Pharma, một công ty dược tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh án từ 2 đến 12 năm tù vì tội buôn lậu và làm giả giấy tờ.
VN Pharma được cho là làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg chữa ung thư từ tháng 10/2013 và quảng cáo đây là loại thuốc chữa ung thư nhập từ Canada.
Công ty dược này thắng một hợp đồng với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2014 để cung cấp thuốc chữa ung thư với một mức giá rẻ “đáng ngờ.” Điều này đã khiến Bộ Y tế phải yêu cầu cảnh sát điều tra, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.
VN Pharma đã làm giả các hồ sơ trong đó bao gồm cả giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp và con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.
Trong giấy tờ hải quan, VN Pharma khai rằng loại thuốc này được bào chế bởi hãng dược Helix Pharmaceuticals Inc. ở Canada nhưng cơ quan điều tra sau đó đã phát hiện ra rằng công ty này không tồn tại.
VN Pharma đã làm giả các hồ sơ trong đó bao gồm cả giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp và con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã xác thực với Bộ Công an rằng không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc. tại địa chỉ ở Canada như hồ sơ mà VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược.
Nguồn gốc thực của 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư mà VN Pharma nhập lậu vẫn không rõ từ đâu, theo truyền thông trong nước, nhưng các xét nghiệm y tế cho thấy 97% trong đó chứa dược chất Capecitabine chất lượng kém mà các chuyên gia cho biết không nên dùng cho người.
Cuộc điều tra cũng phát hiện ra công ty dược này “lót tay” ít nhất 330.000 USD cho các bác sỹ để kê đơn những loại thuốc nhất định của VN Pharma cho các bệnh nhân.
Theo nhận định với VOA của ông Phạm Nam, hiện đang quản lý một phòng dược ở Hà Nội, thực trạng các bác sỹ nhận hoa hồng để kê 1 loại thuốc nhất định nào đó cho bệnh nhân là khá phổ biến ở Việt Nam và thường diễn ra ở các bệnh viện và phòng khám lớn.
Tòa án Nhân dân thành phố HCM cũng đã yêu cầu điều tra ra những bác sỹ và bệnh viện đã nhận tiền để làm điều này và số tiền hoa hồng chi cho bác sỹ là bao nhiêu.