Đường dẫn truy cập

Người dân Ai Cập lo ngại về tương lai


Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Cairo, ngày 28/11/2011
Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Cairo, ngày 28/11/2011

Ai Cập đang bước vào giai đoạn kế tiếp của cuộc chuyển tiếp chính trị với các cuộc bầu cử quốc hội, một tiến trình khởi sự hôm nay và dự trù sẽ tiếp tục trong ba tháng. Nhưng sau một năm đảo lộn và nay lại hơn 1 tuần lễ biểu tình bạo động, nhiều người Ai Cập đang lo ngại về tương lai đất nước. Từ Cairo, thông tín viên VOA Elizabeth Arrott ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Đây là thời điểm mà người biểu tình Ai Cập đã tranh đấu để đạt được - một cuộc bầu cử mà kết quả có thể gây bất ngờ. Nhưng trong tình trạng bạo động dẫn đến ngày bầu cử, thì mọi sự đến lúc này đã không được dễ dàng.

Sinh viên Habiba el Husseiny không tỏ ra hy vọng.

Cô Husseiny nói: "Tôi thực tình không muốn là một người bi quan. Tôi mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho chúng tôi. Nay tôi cho rằng không phải là lúc có được tương lai ấy, mặc dù tương lại ấy phải đến.”

Các liên minh chủ yếu trong cuộc bầu cử ở Ai Cập

  • Các liên minh chính trong cuộc bầu cử ở Ai Cập gồm có:


  • Liên minh Dân Chủ vì Ai Cập: được thành lập vào tháng 6 năm 2011. Đây là liên minh chính trị đáng kể đầu tiên xuất hiện sau khi Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức hồi tháng Hai. Liên minh này do Đảng Tự Do và Công Lý của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lãnh đạo, và bao gồm ít nhất 5 nhóm chính trị khác. Liên minh Dân chủ này khởi sự như một liên minh rộng rãi quy tụ các đảng theo khuynh hướng cấp tiến và các đảng Hồi giáo, nhưng một số thành viên ban đầu đã rời liên minh vì những khác biệt về ý thức hệ.


  • Liên minh Hồi giáo (Liên minh vì Ai Cập) do đảng Salafi al-Nour cầm đầu, bao gồm ít nhất 2 nhóm khác, thành lập vào cuối tháng 9. Thành viên của liên minh này thoạt tiên trực thuộc Liên minh Dân Chủ, tuy nhiên họ rời bỏ liên minh này vì một số bất đồng liên quan tới số các ứng cử viên họ có thể đăng ký để tham gia bầu cử.


  • Khối Ai Cập: Liên minh cấp tiến này đã mất nhiều thành viên từ khi được thành lập vào tháng 8, và nay chỉ bao gồm nhóm Người Ai Cập Tự do, và các đảng Dân chủ Xã Hội và nhóm al-Tagammu. Khối này nói họ hy vọng có thể quy tụ các lực lượng chính trị quyết tâm đeo đuổi một chế độ dân chủ dân sự, dựa trên nguyên tắc tách tôn giáo ra khỏi chính trị.


  • Liên minh Hoàn tất Cách mạng: Thành lập hồi tháng 10, liên minh này bao gồm những người trẻ tuổi, theo khuynh hướng xã hội, cấp tiến và các đảng phái Hồi giáo ôn hòa. Đa số thành viên của nhóm này trước đây có mặt trong Khối Ai Cập. Liên minh Hoàn tất Cách mạng bao gồm Liên minh Thanh niên Cách mạng, Đảng Tự do Ai Cập, và đảng Liên minh Xã hội Nhân dân.

Đây là một vấn nạn được lớp học về khoa học chính trị của cô Hosseiny đưa ra thảo luận tại trường Đại học American ở Cairo.

Nhà chính trị xã hội Said Sadek hỏi sinh viên về sự tham dự của họ trong các cuộc biểu tình.

Vị giáo sư này muốn biết có bao nhiêu người đã có mặt tại quảng trường Tahrir.

Cô Habiba Husseiny nói cô dự tính đến quảng trường Tahrir để phản đối vụ chính phủ đàn áp người biểu tình, chứ không phải để ủng hộ lý tưởng chống quân đội của người biểu tình.

Cô Husseiny nói: “Chúng tôi đang ở vào thời buổi rất bất ổn, và nền kinh tế rất thê thảm. Do đó đây không phải là điều mà họ nên chú tâm vào. Người biểu tình nên chú tâm vào nền kinh tế, vào kỹ nghệ du lịch ,và tất cả mọi thứ đó, ngoại trừ việc chống quân đội.”

Ông Sadek cho rằng quân đội đem lại cho một số người Ai Cập một cảm giác ổn định sau những biến cố hỗn loạn của Mùa xuân Ả Rập.

Ông Sadek nói: “Quân đội cơ bản thuộc tầng lớp trung lưu giới trung lưu thành thị, và họ có rất nhiều quyền lợi kinh tế.”

Nhưng vụ xung đột giữa quân đội và dân chúng ở quảng trường Tahrir không phải là nguồn gốc chính gây căng thẳng. Ông Sadek quy trách cho các nhà chính trị Hồi giáo đã khuyến khích thêm sự căm hận và bạo động.

Ông Sadek nói tiếp: “Hồi giáo chính trị không phải Hồi giáo. Đây là các chính trị gia dùng tôn giáo để đạt được quyền thế. Và họ dựa vào cuộc đấu tranh giai cấp, sự chia rẽ giữa nông thôn và thành thị, giữa đời sống ở sa mạc và đời sống hiện đại. Họ dựa vào cơ sở đó.”

Những ý kiến khác nhau này đã khiến cho một số người Ai Cập cảm thấy lạc lõng hơn/

Thương nhân Cairo Salah Hassa’an nói Ai Cập đang bước vào một thời kỳ đen tối, với hầu hết các đảng phái đều có những quyền lợi không phản ánh công luận. Theo ông, giới lao động là một “đa số thầm lặng.”

Tại Trường đại học American ở Cairo, Giáo sư Sadek hỏi sinh viên xem họ có hiểu được vai trò của họ như thế nào ở Ai Cập vào lúc giao thời lịch sử này hay không.

Giáo sư Sadek muốn tìm hiểu xem họ thuộc phe đa số hay thiểu số.

Cho dù những ngày này có bất định ra sao đối với nhiều người Ai Cập, thì các chuyên gia cho rằng kết quả bầu cử có thể giúp đem lại lời giải đáp dễ dàng hơn đôi chút cho câu hỏi vừa nêu.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG