Số người biểu tình có giảm, nhưng hàng ngàn người chống Mubarak bám trụ ở Quảng trường Tahrir cho hay họ sẽ không từ bỏ cuộc tranh đấu cho đến khi nào người đã lãnh đạo Ai Cập gần 30 năm ra đi.
Các nhóm đối lập nói rằng các cuộc đàm phán với Tổng thống Mubarak hồi hôm qua đã không đem lại các kết quả cụ thể. Họ nói cuộc đối thoại chưa chấm dứt, nhưng họ chờ đợi giới lãnh đạo phải nhượng bộ thì mới ngưng các cuộc biểu tình. Lần đầu tiên, Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động đã đồng ý tham gia các cuộc đàm phán.
Tổng thống Mubarak đã có nhượng bộ trong tuần lễ vừa qua, kể cả việc bổ nhiệm một Phó Tổng thống, và thông báo ông sẽ không ra tái tranh cử năm nay, và nhiều lãnh tụ cấp cao trong đảng của ông đã từ chức.
Người biểu tình và một số người thuộc phe đối lập muốn ông ta rời chức và ra khỏi nước ngay lập tức.
Hôm nay, người dân Ai Cập thức dậy trước một ngày căng thẳng nữa, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sinh hoạt đã dần dà trở lại bình thường tại thủ đô. Các ngân hàng đã mở cửa sau nhiều ngày, và đường phố lần đầu tiên từ hơn 1 tuần nay đông nghẹt xe cộ vào lúc dân chúng đi làm việc trở lại.
Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Jerome Socolovsky cũng đang có mặt tại Cairo, trong cuộc họp hôm qua, phó tổng thống Ai Cập vừa được bổ nhiệm, ông Omar Suleiman đã gặp các đại diện của một số tổ chức đối lập, trong đó có nhóm Huynh Đệ Hồi giáo.
Sau các cuộc đàm phám chính phủ và các tham dự viên đã đồng ý về một loạt các nhượng bộ, trong đó có quyền tự do báo chí, phóng thích những người biểu tình bị giam giữ và cuối cùng bãi bỏ các luật khẩn trương.
Nhưng có sự chia rẽ trong phe đối lập. Ông George Ishaq thuộc phong trào Kefaya, một tổ chức tẩy chay các cuộc đàm phán, nói rằng bất cử một nhượng bộ nào của chính phủ không đi đến đâu chừng nào Tổng thống Hosni Mubarak còn nắm quyền.
Ông Ishaq cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đón nhận ý kiến hay thương lượng trước khi Mubarak ra đi. Chúng tôi nhấn mạnh đến điểm này. Sau đó, thì chúng tôi có thể mở ngỏ cho các cuộc thương lượng.”
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn là một dấu mốc quan trọng, bởi vì đây là lần đầu tiên chế độ của ông Mubarak công khai họp với đại diện của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo.
Một người biểu tình ở quãng trường Tahrir cho biết ông lo ngại về mục tiêu cuối cùng của phe Huynh Đệ Hồi giáo là biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi Giáo.
Người biểu tình này nói anh ta là một người Hồi giáo nhưng không ưa Iran, Hezbollah hay những nhóm tương tự.
Tuy tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động, nhưng các thành viên của tổ chức đã ra tranh cử trong tư cách độc lập. Năm 2005, họ đã chiếm khoảng 20% số phiếu.
Nhưng nhóm này nay cố ý không tham gia các cuộc biểu tình. Một người phát ngôn đã khen ngợi giới trẻ Ai Cập đã khởi động cuộc nổi dậy. Và cách đây vài ngày, tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo cho biết sẽ không đưa ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Sau 14 ngày biểu tình ồ ạt tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak vẫn nắm quyền và các nhóm đối lập không tin rằng những cuộc đàm phán với chính phủ của ông Mubarak sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng trong nước. Từ Cairo, thông tín viên VOA Luiz Ramirez gửi về bài tường thuật sau đây.