Chỉ còn một số ít người vẫn còn tụ tập tại quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo, nhưng những người biểu tình đã khiến sinh hoạt bình thường tại Ai Cập bị tê liệt suốt 18 ngày và bằng đường lối ôn hòa, họ đã lật đổ được tổng thống của họ, hiện đang lên tiếng đòi hỏi.
Hôm thứ Bảy một liên minh các nhóm người trẻ nói rằng họ muốn nhà cầm quyền quân sự mới tại Ai Cập hủy bỏ các luật lệ khẩn cấp. Những đạo luật này đã hiện hữu suốt trong 30 năm, dành cho lực lượng an ninh quyền hạn rộng rãi bắt giữ người mà không truy tố. Những người biểu tình trước đây cũng muốn giải tán quốc hội và thiết lâp một chính phủ đoàn kết, đồng thời họ muốn tu chính hoặc sửa đổi toàn bộ bản hiến pháp.
Một người từng biểu tình trước đây, ông Khalid Shahwan nói rằng ông hiểu là phải có thời giờ mới có thể thực hiện được những điều đó.
Ông nói: "Phải mất thời gian họ mới có thể thay đổi hiến pháp, tổ chức được những cuộc bầu cử công minh."
Người bạn của ông, Gihan Mohamed, nói rằng ngay cả lề thói cai trị của giới cầm quyền Ai Cập cũng phải thay đổi. Ông đưa ý kiến: "Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi bởi lẽ có quá nhiều tham nhũng trong nước, và tôi hy vọng lề thói này sẽ thay đổi."
Những người mới lên cầm quyền hiện nay thuộc quân đội đang phác họa những kế hoạch của họ, hôm thứ Bảy hứa sẽ từ từ giao lại quyền bính cho một chính phủ dân cử và tuân thủ các hiệp ước quốc tế, một hàm ý cho thấy Ai Cập sẽ duy trì hòa bình với Israel.
Hội đồng quân nhân cũng kêu gọi chính người dân Ai Cập hãy thúc đẩy nền kinh tế, khuyến nghị họ trở lại làm việc. Chủ nhật là ngày làm việc bình thường đầy đủ đầu tiên tại Ai Cập kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.
Hầu hết người Ai Cập tranh đấu cho dân chủ đã ngưng không biểu tình nữa và đã trở lại làm việc vào Chủ nhật, một ngày làm việc đầy đủ kể từ khi ông Mubarak buộc phải từ chức.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1