Lễ tuyên thệ nhậm chức tại Cairo đã thay đổi 14 trong số 27 thành viên nội các, trong số đó có Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trương Tài chính. Người đứng đầu Hội đồng Quân lực tối cao, Thống tướng Mohamed Tantawi, đã chủ tọa buổi lễ và sau đó đã họp với nội các mới.
Thủ tướng dân sự Essam Sharaf, được hội đồng quân lực bổ nhiệm, hứa sẽ thực hiện những thay đổi để đáp ứng những than phiền của người biểu tình cho rằng những gì họ chứng kiến là những thay đổi rất chậm chạp.
Nhưng việc thay đổi nội các lại không thay các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp, mà hai bộ trưởng này lại là mục tiêu chính mà người biểu tình nhắm tới đòi thay đổi.
Họ muốn phải cải tổ thêm nữa trong lực lượng cảnh sát và nhanh chóng xét xử ông Mubarak cùng các giới chức khác trong chính phủ cũ của ông.
Hàng trăm người biểu tình đã dựng lều trại ở Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, và nói rằng họ sẽ không giải tán cho đến khi những đòi hỏi của họ được đáp ứng.
Họ được sự hậu thuẫn của chừng 25 đoàn thể chính trị đã xuất hiện kể từ khi diễn ra cuộc cách mạng. Cứ mỗi thứ Sáu lại có thêm hàng ngàn người nữa gia nhập vào nhóm biểu tình để tuần hành, họp mít tinh, và cũng có những diễn biến như vậy ở các thành phố khác.
Một cựu giới chức ngoại giao Ai Cập đã tuyên bố tranh cử tổng thống, ông Abdullah al-Ashaal, vẫn tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình, nói rằng những thay đổi nội các sẽ không làm hài lòng người biểu tình.
Ông nói: "Tôi không nghĩ là họ hài lòng, bởi vì mục tiêu chính của những người xuống đường biểu tình, không được đáp ứng. Chúng ta không thể dọn nhà mà không lau chùi dọn dẹp cho sạch, có nghĩa là phải đưa những bị cáo ra xét xử. Không làm như thế, Ai Cập không thể tiến được, cho dù chỉ 1 bước.”
Ông Al-Ashaal nói rằng cho đến giờ này các bộ trưởng trong nội các thời hậu Mubarak vẫn thiếu quyết tâm để thực hiện những thay đổi.
Và ông tỏ ý ngờ vực Hội Đồng quân Lực tối Cao , đã tạm giữ quyền khi tổng thống Mubarak từ chức. Hội đồng đã hứa sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào mùa thu, sau đó sẽ soạn thảo bản hiến pháp và rồi sẽ tổ chức bầu cử tổng thống.
Nhưng ông al-Ashaal nói rằng quyết định của Hội đồng hôm thứ Tư không cho phép các quan sát viên quốc tế đến theo dõi bầu cử là điều gây lo ngại.
Ông nói: "Điều đó rất nguy hiểm, bởi lẽ nếu quí vị trong sạch và thành thật, thì quí vị sẽ hoan nghênh bất cứ người nước ngoài nào muốn đến quan sát. Nhưng nếu như quí vị có những ý đồ gì khác thì quí vị mới phải cấm cản những quan sát viên quốc tế. Đây là một trắc nghiệm."
Ông Al-Ashaal cũng lo ngại về những chỉ dấu cho thấy quân đội muốn giữ lại một vai trò đặc biệt cho họ trong hệ thống chính trị Ai Cập, kể cả quyền can thiệp nếu quốc gia đi theo một đường hướng mà các sỹ quan cao cấp hàng đầu không thích.
Quân đội nói rằng họ muốn bảo đảm là không để cho Hồi giáo thôn tính quyền bính tại Ai Cập, hay bất cứ hành động nào có thể hạn chế dân chủ hay quyền dân sự.
Nhưng ông al-Ashaal nói rằng không cần tới quân đội để bảo vệ nền dân chủ mới của Ai Cập. Ông nói nhân dân đã chứng minh rằng chính họ có thể gìn giữ dân chủ thật tuyệt hảo.
Tham mưu trưởng quân đội Ai Cập đã chủ tọa lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các dân sự mới, trong nỗ lực xoa dịu những người biểu tình tiếp tục than phiền là chưa có đủ cải tổ kể từ khi các cuộc xuống đường rầm rộ của công chúng đã loại bỏ Tổng thống Hosni Mubarak lúc đó ra khỏi quyền lực.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1