Đây cũng là lần đầu tiên cử tri không biết trước được ai sẽ thắng cử. Sự hồ hởi có thể cảm nhận được qua những hàng dài cử tri chờ đến lượt bỏ phiếu, nhiều người phải chờ nhiều tiếng đồng hồ.
Cử tri Noha Kamal nói với VOA:
“Đúng vậy, đây là lần đầu tiên chúng tôi được lựa chọn. Trong suốt 30 năm qua, chúng tôi hầu như chỉ có quyền trả lời câu hỏi ‘liệu chúng ta có nên hay không nên giữ lại vị tổng thống hiện nay?’ Cứ mỗi lần như vậy, tôi không đi.”
Sau mấy mươi năm sống dưới chế độ bấp bênh của Tổng thống Hosni Mubarak, lần này có 12 người nhắm vào chức vụ này.
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy có 4 ứng cử viên đáng chú ý; trong đó có ông Mohamed Morsi của nhóm Huynh Đệ Hồi giáo, và ông Amr Moussa, một nhà ngoại giao kỳ cựu.
Các ứng cử viên chú trọng đến tôn giáo trong khi tranh luận, nhưng theo sinh viên Howaida Magdi của trường đại học Cairo, lẽ ra thì không nên như thế:
“Tôi là một người Hồi giáo nhưng tôn giáo là một tự do lựa chọn của mọi người, không nên dùng tôn giáo để phán xét một chính trị gia.”
Các vấn đề khác vẫn còn tồn tại, kinh tế yếu kém, chính trị chưa ổn định qua các vụ biểu tình, truy bức.
Đối với cử tri tên Galal, thời gian hậu Mubarak có quá nhiều vấn đề, chẳng hạn như giá bột mì tăng, số người sợ hãi Thượng đế giảm sút. Anh Gadal nói cho dù ai thắng lần này, anh cũng mong người đó đoàn kết lại nhân dân Ai Cập.
Heba Morayef của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho rằng điều quan trọng hơn nữa là làm thế nào người dân phải tin tưởng vào kết quả bầu cử:
“Ai Cập tổ chức bầu cử trong lúc chưa có Hiến pháp, chưa có một hệ thống pháp lý mà người dân có thể tin tưởng được, họ cần có một tổng thống mà họ xem là chính đáng, cho dù người đó không đứng đầu trong các cuộc thăm dò.”
Tại một phòng phiếu ở phía nam Cairo, một phụ nữ không chịu nêu tên nói với VOA chị không tin cuộc bầu cử này sẽ hoàn hảo, nhưng nhất định sẽ không có gian lận lan tràn giống như các cuộc bầu cử trước đây.
Theo chị, đây mới chỉ là bước đầu cho một cuộc hành trình rất dài.
Nhân dân Ai Cập hôm thứ Tư tham gia cuộc bầu cử có tính cách lịch sử, lần đầu tiên có tiếng nói thực sự trong việc chọn lựa tổng thống.