Trong mấy tuần qua, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tranh luận về việc liệu có nên cắt giảm viện trợ cho Ai Cập, vừa vì tình trạng bất ổn chính trị ở đó, vừa trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm viện trợ quân sự cho nước ngoài trên toàn thế giới trong nỗ lực kiềm chế mức thâm hụt ngân sách ngày càng phình ra của Hoa Kỳ.
Nhưng Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch ban Tham mưu Liên quân, cảnh báo Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng mọi sự thay đổi vội vàng trong việc tài trợ cho các quân đội nước ngoài, cụ thể là Ai Cập, phải được cân nhắc kỹ càng.
Ông Mullen nói: “Những thay đổi trong các mối quan hệ về viện trợ đều cần phải được cứu xét một cách rất thận trọng và cân nhắc kỹ càng về lâu về dài, thay vì chỉ để thỏa mãn sự háo hức của công luận và dưới áp lực cần tiết kiệm được tí tiền.”
Nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Hein Goemans cho rằng những điều mà Đô đốc Mullen nói với ủy ban hạ viện là đúng. Ông Goemans cho biết ông sẽ nói với họ như thế này.
Ông Goemans cho biết: "Quý vị đang đùa với lửa. Đây là một trong rất ít các công cụ mà quý vị có được để gây ảnh hưởng đến lối hành xử. Quý vị không nên bỏ phí công cụ ấy quá sớm bởi vì sau đó quý vị có thể sẽ hối tiếc là đã không thể sử dụng công cụ đó. Chớ nên chặt cầu.”
Mỗi năm, Ai Cập được Hoa Kỳ viện trợ 1,3 tỷ đôla. Nhà khảo cứu và phân tích chính trị Nikolay Marinov nói rằng khoản viện trợ quốc tế này có thể đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của Ai Cập.
Ông Marinov cho biết: “Một nước càng lệ thuộc vào viện trợ thì lại càng mau chóng tiến tới bầu cử, và thời gian thông thường đó là dưới 5 năm, hoặc 3 năm.”
Ông Marinov là trợ lý giáo sư tại trường Đại học Yale, và ông Goemans là một phó giáo sư tại trường Đại học Rochester, đã hợp tác với nhau để khảo cứu về các cuộc đảo chính quân sự trên khắp thế giới. Trong cuộc khảo cứu, họ đã phát hiện ra rằng ở xã hội hậu chiến tranh lạnh, viện trợ quốc tế đã dẫn đến các cuộc bầu cử tự do tại 3 trong số 4 nước mà quân đội lên nắm quyền.
Ông Marinov nói ngoài sự kiện lệ thuộc nặng vào viện trợ, Ai Cập còn có nhiều yếu tố địa phương khác có thể đẩy nước này hướng tới một quốc gia dân chủ.
Ông Marinov nhận xét: “Điều chúng ta có thể thấy ở Ai Cập là họ đã trải qua một quá trình phát triển kinh tế, có một tầng lớp trung lưu đang nẩy nở, một giới tinh hoa trẻ có văn hóa. Tất cả những sự kiện này trên nguyên tắc đều tốt cho nền dân chủ.”
Người đồng sự của ông Marinov là ông Goemans thì cho rằng khối lượng viện trợ quân sự mà Ai Cập nhận được sẽ là công cụ mạnh nhất trong việc thúc đẩy các nhà lãnh đạo phải tổ chức bầu cử trong tương lai gần.
Ông Goemans nói: “Tôi không thể bảo đảm với quý vị là quân đội Ai Cập sẽ có một cuộc bầu cử tự do và công bằng, nhưng tôi cho rằng có rất nhiều cơ may, tỷ lệ có thể là 3/4, rằng họ sẽ có được.”
Hồi đầu tuần này, giới lãnh đạo quân đội Ai Cập đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội trong vòng 6 tháng. Hội đồng Quân lực Tối cao cho biết họ không mưu tìm quyền lực và đặt sự tin tưởng vào dân chúng.
Sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Mullen, nói rằng sẽ là một hành động “thiếu thận trọng”nếu Hoa Kỳ đưa ra các nhận định vội vàng về việc cắt viện trợ quân sự cho những nước như Ai Cập. Một số chuyên gia phân tích chính trị đồng ý như thế. Họ cho rằng duy trì luồng viện trợ cho Ai Cập thực ra có thể thúc đẩy việc tiến tới dân chủ. Thông tín viên VOA JulieAnn McKellogg ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.