Tại trung tâm Beverly Hills, du khách và giới nhà giàu đổ xô đến Rodeo Drive, một con đường nổi tiếng với các cửa hàng hiệu đắt tiền. Đó là nơi bà C.C. Hong và gia đình cô ghé qua trong tuần lễ chót tại Hoa Kỳ, trước khi trở lại Malaysia.
Bà Hong nói: “Chúng tôi nghĩ ngay lúc này là thời điểm tốt để mua hàng.”
Bà Hong nói trị giá tương đối thấp của đồng đôla làm mọi thứ ở Hoa Kỳ rẻ hơn so với ở Malaysia. Cô vừa mua một cái ví xách tay đặc biệt hiệu Coach, và gọi đó là một món hời.
Bà Hong nói: “Giá khoảng 650 đôla. Ở nhà thì có lẽ giá gấp đôi.”
Kinh tế gia Bedroussian cho biết: “Đây thực là một trong vài điểm sáng của nền kinh tế, phần lớn vì giới tiêu thụ sang trọng tiếp tục chi tiêu trong khu vực bán lẻ.”
Đó là nhận xét của kinh tế gia Armen Bedroussian, thuộc trung tâm khảo cứu của Viện Milken ở California. Ông nói sự kiện này đã không xảy ra trong vụ suy thoái kinh tế toàn cầu mới đây. Giới giàu có đã hạn chế mức chi tiêu và buộc nhà vẽ kiểu thời trang ở Beverly Hills, Pol Atteu, phải sa thải tất cả nhân viên.
Ông Atteu nói: “Có lúc, tôi có trên 35 người làm việc cho tôi. Hàng của tôi bán rất chạy ở Saks Fifth Avenue, tôi bán cho các cửa hàng Neiman Marcus.”
Nhưng các cửa hàng bách hóa sang trọng này đã thua lỗ vào năm 2008 và quan hệ của Atteu với các cửa hàng này đã chấm dứt.
Ông Atteu: “Điều đó có nghĩa là phải tự làm lấy tất cả. Nghĩa là trở lại với các nguyên tắc cơ bản.”
Ông David Winter làm việc cho Hội đồng Tiếp thị các mặt hàng Cao cấp, một tổ chức đại diên cho nhiều công ty dịch vụ và hàng hóa cao cấp lớn.
Ông Winter nói: “Nếu ta nhìn vào các cửa hàng bán lẻ hàng cao cấp như Saks Fifth Avenue, Neiman Marcus, Nordstrom, thì các cửa hàng này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vì phần lớn thị trường của họ là giới thích giàu có, những người thực sự dành dụm để tìm cách mua một món gì tưởng thưởng cho mình.”
Ông Winter nói loại khách mua sắm đó lại bắt đầu chi tiền. Nhưng ông nói những người cực kỳ giàu có trên khắp thế giới không bị ảnh hưởng bởi các nền kinh tế èo uột.
Bà Adler nói: “Chúng tôi nhận thấy mỗi tháng, dường như có nhiều người chú ý hơn đến các dự án lớn hơn.”
Bà Jamie Adler là chủ công ty Phyllis Morris, một công ty chuyên vẽ kiểu, chế tạo và bán bàn ghế tủ giường sang trọng ở West Hollywood, California.
Bà Adler nói tiếp: “Những cái giường của chúng tôi giá chót là 20.000 và có cái lên tới 60.000 hay 70.000 đôla.”
Bà Adler nói mặc dầu khách hàng của bà ở Hoa Kỳ ngưng không chi tiếu vào năm 2008, công cuộc kinh doanh của bà ở nước ngoài lại gia tăng.
Bà Adler nói: “Tôi nghĩ đồng đôla trở nên hấp dẫn hơn và tôi thực sự nghĩ là mạng Internet giúp giới thiệu các sản phẩm làm ở Mỹ trên khắp thế giới.”
Sau đây là nhận định của ông David Winter thuộc Hội đồng Tiếp thị hàng Cao cấp.
Ông Winter nói: “Các cửa hàng bán lẻ hàng đắt tiền, ngay khi không bán chạy ở châu Âu và Hoa Kỳ, cũng vẫn khấm khá và bán chạy hơn ở Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, khối mà ta gọi là BRIC. Các nước này chính là các nước đang thúc đẩy nền kinh tế thế giới ngay lúc này.”
Nhưng kinh tế gia Armen Bedroussian cảnh báo rằng tình trạng xáo động kinh tế mới đây sẽ tác động đến công nghiệp bán lẻ hàng cao cấp.
Ông Bedroussian nói: “Trong đoản kỳ, sự gia tăng tính biến động trong tình hình mức tín dụng của Hoa Kỳ bị xuống cấp và vụ khủng hoảng nợ nần châu Âu, thực sự sẽ gây phương hại cho cố bán trong tương lai gần. Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường sẽ phải bị tác động mạnh hơn nhiều thì mới ảnh hưởng đáng kể đến khu vực hàng cao cấp.”
Ông David Winter nói giới siêu giàu đang thực sự được hưởng lợi nhờ tình trạng suy thoái kinh tế này.Và họ không phải chỉ mua quần áo hiệu không thôi. Họ còn đầu tư vào thị trường địa ốc rẻ rúng.
Ông Winter nói: “Chính những người rất giàu mua bằng tiền mặt và cũng chính các cá nhân có tài sản ròng cực cao đang mua hàng chục căn nhà một lúc bởi vì giá đang hời. Người giàu lại càng giàu hơn.”
Cư dân Malaysia C.C.Hong không phải chỉ xuống phố Rodeo Drive để sắm ví hiệu. Bà còn đến Hoa Kỳ để tìm cơ hội đầu tư vào địa ốc nữa.
Vào lúc kinh tế tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tiếp tục gây sức ép cho Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới, các kinh tế gia nói rằng nhiều người giàu có trên thế giới tiếp tục mua bán tại các cửa hiệu có tiếng, và mua với khối lượng lớn. Thông tín viên VOA Elizabeth Lee tường trình từ Beverly Hills, California về tác động của nền kinh tế toàn cầu đối với công nghiệp bán lẻ các mặt hàng xa xỉ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!