Trong năm 2014, virút Ebola bộc phát tại Tây Phi. Dịch bệnh này vẫn còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở tầm mức bi thảm. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA Carol Pearson, có hơn 20.000 người lây nhiễm virút, và hơn 7.800 người thiệt mạng.
Ebola bắt đầu tại vùng quê yên tỉnh của Guinea vào những ngày cuối cùng của năm 2013. Virút Ebola sau đó hoành hành tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. Ebola lan sang Nigeria và Mali, giết chết các bác sĩ và nhân viên y tế và hơn một phần ba những người bị lây nhiễm virút này. Ebola đã để lại hàng ngàn trẻ mồ côi.
Trước đây chưa bao giờ có dịch bệnh Ebola như thế này.
Bác sĩ Tom Kenyon người đứng đầu Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC nói dịch bệnh bùng phát tại những nơi khác ở châu Phi đã được chế ngự dễ dàng hơn.
Bác sĩ Kenyon nói: “Công chúng địa phương biết được đó là Ebola và áp dụng các biện pháp để chặn đứng dịch bệnh. Họ ngưng chạm vào người bệnh. Họ ngưng chạm vào xác chết và chôn người chết một cách an toàn. Họ rửa tay bằng thuốc tẩy trùng và không chạm vào nhau. Việc này sẽ giúp chấm dứt dịch bệnh bùng phát.”
Tuy nhiên tại Tây Phi, ngay cả các bác sĩ cũng bị bất ngờ. Bác sĩ Leisha Nolen là một người truy tầm dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói chiến tranh làm mọi người sợ người nước ngoài và không muốn làm việc với họ hay thay đổi những tập tục đã làm dịch bệnh lây lan.
Bác sĩ Nolen cho biết: “Có một số tin tưởng là đây là một lời nguyền, một phù thuỷ đến và gây nên những việc xảy ra cho mọi người.”
Không giống như những khu vực xa xôi tại Trung Phi, tại Tây Phi, mọi người tự do đi lại giữa các nước và từ những vùng nông thôn đến các thành thị đông đúc. Việc này làm cho khó chế ngự được virút.
Bác sĩ Nolen nói: “Di chuyển hiện là một vấn đề lớn trong vụ bùng phát vì mọi người tiếp tục di chuyển và tiếp tục làm cho một số dân mới bị lây nhiễm.”
Vào tháng 6 năm nay, tổ chức Bác sĩ Không Biên giới cảnh báo dịch bệnh Ebola không kiểm soát được . Vào tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới gọi đây là một trường hợp y tế công cộng khẩn cấp. Những trợ giúp cuối cùng đã đến. Quân đội Mỹ phái gần 3.000 binh sĩ để dựng những trung tâm chữa trị tại Liberia. Những quốc gia và những tổ chức khác – ngay cả những cá nhân cũng gởi các vật phẩm cứu trợ.
Vào giữa tháng 9, Tổng giám đốc WHO, bác sĩ Margaret Chan nói có những dấu hiệu hy vọng tại một số khu vực, cũng như có bùng phát mới tại những nơi khác, đặc biệt là Sierra Leone.
Bác sĩ Chan nhận định rằng: “Chúng ta phải cảnh giác. Tính tự mãn là kẻ thù của chúng ta, và để đưa các trường hợp lây nhiễm Ebola xuống số không, chúng ta phải thành công trong việc làm cho khuynh hướng này xuống thấp và chúng ta cần tiếp tục, làm nhiều hơn nữa để con số lây nhiễm xuống số không.”
Dù có việc chữa trị và theo dõi nhanh chóng Ebola và vắcxin, việc chữa trị sớm và chăm sóc căn bản vẫn là hy vọng tốt nhất để sống còn.