Lập trường mềm mỏng của Tổng thống Philippine Duterte trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã ngăn Bắc Kinh xâm lấn thêm vào vùng biển mà Manila tuyên bố có chủ quyền, các nhà phân tích cho biết.
Khi Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu hàn gắn quan hệ với Trung Quốc vào cuối năm 2016, các học giả nghiên cứu hàng hải và một số thường dân Philippines đã lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ tự do bành trướng trên những vùng biển mà Manila nhận chủ quyền, để đổi lại, Philippines sẽ được Bắc Kinh hỗ trợ kinh tế.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và là quân đội mạnh thứ ba trên thế giới. Nước này tuyên bố có chủ quyền trên 90 phần trăm Biển Đông, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác xung quanh vùng biển chiến lược này.
Ngoại trưởng Philippine Alan Peter Cayetano hôm thứ Sáu ngày 4/5 cho biết rằng chính phủ nước ông đang cố tìm hiểu liệu Trung Quốc có lắp đặt tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất đối không trên ba thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang kiểm soát hay không, truyền thông nước này đưa tin.
Sự xôn xao này có thể sẽ nhanh chóng chìm xuống, các học giả nhận định. Bắc Kinh đã xuống thang trong một số nỗ lực bành trướng dưới nhiệm kỳ của ông Duterte, họ cho biết.
“Trung Quốc thật ra rất cẩn trọng về việc này vào lúc Duterte đang là Tổng thống, tức là khi quan hệ song phương đang nồng ấm,” ông Herman Kraft, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman ở Manila cho biết.
Áp lực nội địa phản đối Trung Quốc
Sau khi biết tin về các hoạt động của Trung Quốc ở các khu vực của Biển Đông mà Manila tuyên bố có chủ quyền, các học giả, các nhà lập pháp và cả một thẩm phán cao cấp của Tòa án Tối cao nước này đã yêu cầu ông Duterte can thiệp.
Chính phủ Philippine sẽ “phản kháng về ngoại giao” trước các tin tức về việc Trung Quốc xây dựng lực lượng phi đạn nếu các quan chức ngoại giao nước này ‘cảm thấy là phù hợp’, phát ngôn nhân phủ Tổng thống Philippines, Harry Roque, cho biết trên trang web của cơ quan này hôm thứ Bảy ngày 5/5.
“Và đương nhiên, chúng tôi sẽ tận dụng việc chúng tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với Trung Quốc,” ông Roque nói.
Truyền thông nội địa Philippine dẫn lời phủ Tổng thống nước này cho biết ông Duterte ‘tin rằng’ các tên lửa mới được lắp đặt không nhắm vào Philippines.
Nỗ lực trong 18 tháng qua của ông Duterte nhằm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc đã được Bắc Kinh đáp lại bằng cam kết viện trợ và đầu tư 24 tỷ đô la vào Philippine vào lúc đất nước đông nam Á phát triển nhanh chóng này đang theo đuổi kế hoạch năm năm tái thiết cơ sở hạ tầng. Người tiền nhiệm của ông Duterte là ông Benigno Aquino đã có quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh trong 4 năm do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Chắc chắn là về phần của Duterte, chính quyền không muốn gây thêm sóng gió,” ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh biển tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nhận định. “Chúng ta đang thấy chính quyền Duterte vẫn muốn lôi kéo đầu tư và viện trợ từ phía Trung Quốc. Ít nhất vẫn có nhiều khả năng Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ và đầu tư mà không đi kèm điều kiện chính trị nào.”
Tín hiệu kìm chế
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã đền đáp cho cách tiếp cận hòa giải của Tổng thống Duterte bằng cách rút lui khỏi các vùng biển gần Philippines ít nhất là ba lần.
Năm ngoái, lực lượng tuần dương Trung Quốc đã cho phép tàu cá Philippine tiếp cận bãi cạn Scarborough nơi có ngư trường dồi dào. Ông Koh cho biết Bắc Kinh đã thực hiện chính sách ‘không xây dựng gì thêm’ ở bãi cạn này mặc dù nơi đây có tầm chiến lược quan trọng. Hồi năm 2012, sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn, quan hệ hai nước đã rơi vào tình trạng căng thẳng.
Hồi đầu năm, phía Trung Quốc cũng đã ngừng thăm dò tại vùng biển mà phía Philippine gọi là Philippine Rise, một khu vực bình nguyên dưới biển thuộc thềm lục địa của Philippine sau khi ông Duterte ngừng hợp tác. Người dân Philippine đã tức giận trước sự hiện diện của các tàu nghiên cứu Trung Quốc ở vùng biển này một năm trước đó.
Năm ngoái, khi các ngư dân Philippine lên một bãi cát nằm giữa Bãi đá Su Bi và đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa do Philippine kiểm soát, phía Trung Quốc đáp trả bằng cách đưa tàu hải quân và tàu tuần dương đến nơi, theo ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế.
Chúng tôi chỉ hy vọng rằng có kênh liên lạc nào đó trong hậu trường hay Tổng thống Duterte sẽ chọn cách không đối đầu và ông sẽ dùng cách thảo luận mềm qua các kênh ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc rút lui, nhưng tôi không biết liệu điều đó có tác dụng với Trung Quốc hay không.Antonio Contreras, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle của Philippines
Nhưng, “cuối cùng thì mọi người cũng trở về vị trí cũ và tình hình yên ắng trở lại.”
Khi các nước thách thức Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả tương xứng. Sau khi Mỹ điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông hồi tháng Ba thì Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại cùng tuyến đường hàng hải.
Áp lực từ công chúng
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Manila đã vi phạm cam kết họ đưa ra hồi tháng Tám là không ‘mở rộng sự hiện diện’ vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippine, ông Antonio Contreras, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle của Philippines cho biết.
“Chúng tôi chỉ hy vọng rằng có kênh liên lạc nào đó trong hậu trường hay Tổng thống Duterte sẽ chọn cách không đối đầu và ông sẽ dùng cách thảo luận mềm qua các kênh ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc rút lui, nhưng tôi không biết liệu điều đó có tác dụng với Trung Quốc hay không,” ông Contreras nói thêm.
Bất cứ sự kiềm chế nào của Trung Quốc có thể sẽ chấm dứt khi ông Duterte rời nhiệm sở vào năm 2022 do hạn chế về số nhiệm kỳ. Nếu một ai đó có lập trường diều hâu lên thay thì Bắc Kinh có thể sẽ hành xử hung bạo hơn, ông Kraft nhận định.