Đường dẫn truy cập

Đức muốn nói chuyện với Snowden về chương trình theo dõi của NSA


Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich nói rằng nước ông hoan nghênh bất cứ thông tin nào từ Sowden, người đang bị giới hữu trách Mỹ truy nã và đang sống ở Nga
Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich nói rằng nước ông hoan nghênh bất cứ thông tin nào từ Sowden, người đang bị giới hữu trách Mỹ truy nã và đang sống ở Nga
Đức cho biết họ muốn nói chuyện với người rò rỉ thông tin mật của tình báo Mỹ Edward Snowden để xem ông này biết gì về các chương trình do thám qui mô lớn của Mỹ, trong đó có việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich hôm nay nói rằng nước ông hoan nghênh bất cứ thông tin nào từ Sowden, người đang bị giới hữu trách Mỹ truy nã và đang sống ở Nga.

Ông Friedrich phát biểu như thế sau khi nhà lập pháp Đức Hans-Chritian Stroebele gặp Snowden tại Moskova ngày hôm qua. Ông Stroebele nói rằng Snowden trao cho ông một lá thư gởi cho chính phủ Đức. Trong thư đó, ông Snowden đả kích việc chính phủ Mỹ truy bức ông về điều mà ông gọi là “ngôn luận chính trị.”

Các giới chức Đức và Mỹ đã thảo luận với nhau trong tuần này tại Washington về chương trình theo dõi của Mỹ.

Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng các hoạt động theo dõi của Mỹ đã “đi quá đà” trong một số trường hợp, và hứa là điều đó sẽ không xảy ra nữa.

Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua một dự luật để siết chặt sự kiểm soát đối với những gì mà các cơ quan tình báo có thể làm với những hồ sơ về truyền tin liên lạc mà họ thu thập được. Dự luật này qui định các hồ sơ đó chỉ được lưu trữ tối đa là 5 năm.

Vụ bê bối này đã lan tới Á châu. Hôm qua, Indonesia đã triệu Đại sứ Australia ở Jakarta sau khi có tin cho biết Australia đã cho phép các chương trình theo dõi bí mật của Mỹ được thực hiện bên trong các sứ quán của họ ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Đông Timor.

Tin tức cũng nói rằng tòa Đại sứ Mỹ ở Jakarta đã được dùng để theo dõi lén Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và các nhà lãnh đạo khác của Indonesia. Những tài liệu đó cho thấy sứ quán Mỹ là nơi đặt các trang thiết bị dùng để nghe lén các nhà lãnh đạo khác của Indonesia, và các cơ sở nghe lén được che giấu một cách cẩn thận bên trong khuôn viên sứ quán.

Sau cuộc họp ngày hôm nay, Đại sứ Greg Moriarty của Australia nói rằng cuộc thảo luận mà ông thực hiện là tốt đẹp và bây giờ ông phải báo cáo cho chính phủ của ông.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết nước ông quan tâm sâu sắc tới vấn đề này và đó là điều không thể chấp nhận. Ông nói rằng chính phủ ông đã yêu cầu Australia và Hoa Kỳ giải thích.

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã triệu nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Jakarta để làm rõ các cáo giác nghe lén.

Các nhà ngoại giao Indonesia nói rằng những hành động của Mỹ và Australia chẳng những là những sự vi phạm an ninh mà còn là một sự vi phạm các nguyên tắc ngoại giao và đạo đức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG