Đường dẫn truy cập

Đức kêu gọi EU giải quyết làn sóng di dân


Di dân đứng xếp hàng chờ đợi phía trước tòa nhà Y tế và Xã hội để xin tị nạn ở Berlin, Đức, tháng 8/2015. Đức là nước chấp nhận nhiều di dân hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, với con số tổng cộng có thể lên tới 800.000 người tính tới cuối năm nay.
Di dân đứng xếp hàng chờ đợi phía trước tòa nhà Y tế và Xã hội để xin tị nạn ở Berlin, Đức, tháng 8/2015. Đức là nước chấp nhận nhiều di dân hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, với con số tổng cộng có thể lên tới 800.000 người tính tới cuối năm nay.

Thủ tướng Đức hôm nay thúc giục các nước trong khối EU nỗ lực hơn nữa chia sẻ gánh nặng hàng ngàn di dân tràn vào Châu lục này, nhưng một số nước láng giềng của Đức khước từ lời kêu gọi của bà Angela Merkel.

Phát biểu tại Berlin, nhà lãnh đạo Đức nói: ‘Nếu EU không giải quyết được vấn đề người tị nạn, nếu cầu nối mật thiết với dân quyền toàn cầu này bị đứt, thì đây không phải là châu lục mà chúng ta mơ ước.’

Đức là nước chấp nhận nhiều di dân hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, với con số tổng cộng có thể lên tới 800.000 người tính tới cuối năm nay. Slovakia, Cộng hòa Czech, Hungary, và Ba Lan nằm trong các nước ngăn chặn kế hoạch cho phép các nước thành viên EU tiếp nhận một số lượng người tị nạn cụ thể.

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, tuyên bố nước ông sẽ không bao giờ đồng ý một lượng quota về số người tị nạn phải tiếp nhận. Vẫn theo lời ông, đa số di dân tới Châu Âu từ các nước bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông và Châu Phi thực hiện các chuyến hải hành hiểm trở tới EU vì các lý do kinh tế và nên bị trả về cố quốc.

Hôm qua, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, tố cáo các nước Đông Âu, đặc biệt là Hungary, về các chính sách ‘xúc phạm’ di dân đi ngược lại với các giá trị của Liên hiệp Châu Âu. Budapest đang dựng lên một hàng rào dài 4 mét dọc theo đường biên giới phía Nam với Serbia để ngăn không cho di dân băng vào lãnh thổ Hungary.

Ngoại trưởng Hungary , Levente Magyar, nói với thông tấn xã quốc gia rằng chính phủ bác bỏ tất cả các tính từ cay độc và những lời cáo buộc của Ngoại trưởng Pháp.

Người đứng đầu Tổ chức Di dân Quốc tế IOM, William Lacy Swing, cho hay các tổ chức hỗ trợ như IOM sẵn sàng giúp các chính phủ Châu Âu đương đầu với làn sóng di dân, nhưng một số khu vực của Châu Âu cần phải vượt qua ‘yếu tố sợ hãi’ trong việc tiếp nhận người tị nạn.

Cảnh sát Áo kiểm tra một chiếc xe hơi tại biên giới Áo-Hungary, ngày 31/8/2015.
Cảnh sát Áo kiểm tra một chiếc xe hơi tại biên giới Áo-Hungary, ngày 31/8/2015.

Hôm nay, Áo ngăn một đoàn tàu hướng về phía Munich tại biên giới Hungary trong khi giới hữu trách truy tìm các tay buôn người và thẩm vấn ba bốn trăm di dân trên tàu, đa số từ Syria, xem họ có giấy tờ hợp lệ để tiếp tục cuộc hành trình tới vùng đất tâm điểm của Châu Âu hay không.

Vienna tăng cường kiểm tra an ninh sau vụ phát hiện 71 thi thể di dân trong một xe tải bỏ hoang tại Áo hồi tuần rồi.

Các bộ trưởng nội vụ của Anh, Pháp, và Đức hôm qua kêu gọi có hành động khẩn cấp giải quyết vấn đề nan giải trước làn sóng hàng ngàn di dân đang tràn vào Châu Âu.

Luxembourg cho hay sẽ triệu tập các cuộc họp với sự tham dự của các bộ trưởng nội địa và tư pháp từ các nước thành viên EU vào ngày 14/9 tại Brussels để tăng cường cách ứng phó của Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG