Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đến Ireland vào năm 1979, lần đầu tiên một vị giáo hoàng tới thăm Ireland, ngừa thai và ly dị vẫn bị coi là bất hợp pháp, và ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo gần như tuyệt đối trong xã hội cực kỳ bảo thủ của Ireland.
Reuters đưa tin Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thực hiện chuyến đi thăm Dublin hai ngày bắt đầu vào ngày thứ Bảy sắp tới, và sẽ có mặt tại một nước Ireland mà vị giáo hoàng tiền nhiệm không thể nào nhận ra.
Ireland hiện giờ nằm dưới quyền lãnh đạo của một vị thủ tướng đồng tính. Ba năm trước, nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận các cuộc hôn nhân đồng tính qua cuộc trưng cầu ý kiến bằng phiếu phổ thông. Cuối tháng 5, Ireland chấm dứt một trong những chế độ cấm phá thai nghiêm ngặt nhất trong thế giới Tây phương. Cả hai cuộc trưng cầu dân ý đều giành được sự ủng hộ của đại đa số, bất chấp sự phản đối của Giáo hội Công giáo.
Dự kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sẽ chứng kiến một Giáo hội trước đây nắm quyền lực tuyệt đối, giờ bị tổn thương nặng nề vì những vụ bê bối lạm dụng tình dục.
Giáo dân dự thánh lễ hàng tuần ở Ireland xấp xỉ 80% cách đây 40 năm về trước, giờ chỉ còn khoảng 35%. Năm ngoái, chỉ có một nửa các cặp tân hôn tổ chức lễ cưới tại nhà thờ.
Giáo hội Công giáo Ireland từng là một nền tảng vững chắc của xã hội, đã bắt đầu suy sụp từ những năm cuối của thập niên 1990, giữa lúc một loạt bài phóng sự điều tra các ‘trung tâm Magdalene’ dành cho các phụ nữ thuộc thành phần “sa cơ” (từ ngữ lúc đó dùng để chỉ những phụ nữ ‘không đi đúng đường’ chẳng hạn như hành nghề mại dâm), nơi mà các phụ nữ này phải làm việc như những người nô lệ.
Một loạt cuộc điều tra của chính phủ từ năm 2005 đến năm 2014 cũng phơi bày tình trạng linh mục xâm hại trẻ vị thành niên trên khắp Ireland. Những ngôi nhà của nhà thờ dành cho các bà mẹ đơn thân cũng bị điều tra về cách đối xử với trẻ em.
Reuters dẫn lời một bỉnh bút của tờ Ireland Times, Fintan O’Toole, viết:
“Khi Đức Giáo Hoàng đến Ireland vào cuối tuần này, ông sẽ chứng kiến một Giáo hội Công giáo không chỉ bị suy sụp, mà tệ hơn, trong tình trạng không thể nào cứu chữa”.
Tác giả này nói rằng sự hiện diện của Giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ được một số giáo dân còn niềm tin tín ngưỡng ăn mừng, nhưng ngay cả trong thành phần này, ít người tin rằng Giáo hoàng Phan-xi-cô có khả năng vực dậy một định chế đã bị lung lay từ nền móng.
Thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Ireland được xem là “không thể tồi tệ hơn”.
Những cơn bão do các hành động xâm hại tình dục được phơi bày hồi gần đây ở Hoa Kỳ, Chile và Úc càng nhắc nhớ người dân Ireland về những bê bối tương tự ở trong nước họ, và làm tăng cơn thịnh nộ nhắm vào các vị giám mục bị cho là đã không xử lý thích đáng các trường hợp xâm hại tình dục này.
Một giới chức Vatican miêu tả đây là sự kết hợp của “một cơn bão hoàn hảo”.
Tuần trước, một bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, công bố kết quả cuộc điều tra về vụ xâm hại tình dục quy mô nhất trong Giáo hội tại Hoa Kỳ, theo đó có đến 301 linh mục đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong 70 năm qua.
Phúc trình đó đã tăng sức cho các nạn nhân bị lạm dụng tại Ireland và những người ủng hộ họ trên khắp thế giới- một số đã bay đến Dublin trùng với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng – quyết tâm đòi Giáo hoàng phải làm nhiều hơn để bứng gốc nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Mục đích chính trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng từ ngày 25-26 tháng 8, là để bế mạc Đại Hội Gia đình Thế giới lần thứ 9 của Giáo hội Công giáo được tổ chức tại Dublin. Đại hội này diễn ra ba năm một lần ở các thành phố khác nhau.