Đường dẫn truy cập

Dự thảo quy định về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục gây chê bai, tranh cãi


Dự thảo luật sửa đổi về bạo lực gia đình được thảo luận ở Quốc hội Việt Nam hôm 31/5/2022.
Dự thảo luật sửa đổi về bạo lực gia đình được thảo luận ở Quốc hội Việt Nam hôm 31/5/2022.

Dư luận Việt Nam trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 xôn xao tranh luận, thậm chí có không ít người chê cười về một số điểm bị xem là “tầm phào”, “kỳ quặc” trong hai bản dự thảo quy định về bạo lực gia đình và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, một chuyên gia nói với VOA rằng bà ủng hộ các điều khoản chi tiết, rõ ràng hơn về hai vấn đề kể trên.

Báo chí Việt Nam tường thuật trong ngày 31/5 rằng Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra. Đây là phiên bản cập nhật của bộ quy định cũ, đã ban hành hồi năm 2015.

Cùng ngày, báo chí trong nước đưa tin về buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Viết về dự thảo quy tắc phòng, chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, nhiều báo Việt Nam có hàng tít khá giống nhau, cảnh báo rằng “nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục được xem là quấy rối tình dục”.

Đó là một trong những hành vi quấy rối, các báo viết, bên cạnh đó, dự thảo quy định nêu ra nhiều hành động, lời nói cũng bị xem là quấy rối, như phô bày tài liệu mang tính khiêu dâm, gửi tin nhắn liên quan tới tình dục, tiếp xúc tác động vào cơ thể mang tính tình dục, nói trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, đề nghị hay mời đi chơi riêng liên tục.

Về dự luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều báo rút tít “Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp cũng là bạo lực gia đình”. Đây là phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung khi bà đề nghị cần xác định rõ những hành vi gây ra khủng hoảng tâm lý, tinh thần trong gia đình.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặt vấn đề rằng liệu việc vợ gây sức ép với chồng phải làm ra thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia có phải là hình thức bạo lực không... Ông Hùng nhận xét rằng nói đến bạo lực về thể xác, về kinh tế thì nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra cũng như lượng hóa cho hết.

Những bài tường thuật nêu trên của báo chí Việt Nam đã dẫn đến nhiều ý kiến châm biếm trên mạng xã hội.

Nhiều người tỏ ra “kinh hãi” về dự thảo quy định phòng, chống quấy rối tình dục vì nó động chạm đến những điều vốn được xem là khá bình thường trong đời sống hàng ngày ở Việt Nam.

Về dự luật bạo lực gia đình, phần lớn dư luận tỏ ra ngao ngán về các đại biểu Quốc hội, các nhà làm luật Việt Nam, vì trong khi người dân còn đang phải chống chọi với bao khó khăn sau đại dịch, nhưng các quan chức chỉ mạnh miệng nói về bạo lực gia đình.

Một số ý kiến của người dân cho rằng mỗi kỳ họp Quốc hội đều tốn rất nhiều tiền thuế của dân, song cuộc thảo luận mới đây về dự luật là ví dụ mới nhất cho thấy việc họp Quốc hội thật lãng phí.

Có những người nhận xét chua chát rằng quan chức của Việt Nam càng phát biểu càng “mất giá” và vì vậy, đội ngũ đại biểu của dân trong Quốc hội có thể bị đánh đồng với mức độ của trí tuệ Việt Nam.

Không bị cuốn vào làn sóng dư luận, nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với VOA rằng hai bản dự thảo đang gây tranh cãi thực ra chứa đựng những điều tiến bộ, nổi bật nhất là sự rõ ràng, cụ thể hơn, thay vì mang tính chung chung trước đây, đã dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Bà Hồng nói:

“Rất nhiều người cho rằng văn hóa của Việt Nam là như vậy. Bây giờ lại đưa lên thành quy định pháp luật, quy định chính thức thì nó không phù hợp. Nhưng cá nhân tôi cho rằng những quy định pháp luật, những quy ước chung của tập thể càng chi tiết càng tốt, nên tôi rất hoan nghênh những động thái đấy. Đó là luật pháp Việt Nam hiện nay đang cố gắng để hoàn thiện hơn, và đáp ứng được, phù hợp với luật pháp và các điều ước quốc tế”.

Nhìn vào bức tranh lớn nữ viện trưởng của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đánh giá rằng việc Quốc hội và một số cơ quan cấp bộ của Việt Nam tìm cách cải thiện luật, quy định về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục cho thấy các nhà làm luật, các nhà chức trách có sự tiến bộ lớn trong nhận thức, thực sự quan tâm và muốn giải quyết hai vấn đề này. Song tiến sĩ Khuất Thu Hồng tỏ ra dè dặt về việc thực thi:

“Nhưng từ nhận thức đến hành động còn là một khoảng cách. Nếu cứ nhìn dư luận trong mấy ngày hôm nay, việc họ bàn luận về cuộc thảo luận trên nghị trường chẳng hạn, thì tôi cũng rất lo rằng thậm chí khi có luật như vậy, nếu những người thực thi pháp luật và người dân không nhận thức được cái ý nghĩa của công cụ pháp luật đấy thì những tiến bộ không thực sự được đưa vào cuộc sống, không mang lại nhiều thay đổi như là lẽ ra nó phải có”.

Nữ tiến sĩ nhấn mạnh rằng song song với việc xây dựng các quy định pháp luật toàn diện, đầy đủ, điều quan trọng không kém là phải thay đổi nhận thức của xã hội, cũng như nâng cao hiểu biết và kỹ năng của những người thực thi pháp luật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG