Đường dẫn truy cập

Vụ án tiền Polymer: Dự thẩm bác bỏ lập luận của công tố viện đối với các nghi can


Công ty Securency trả học phí cho con ông Lê Ðức Thúy theo học tại Anh Quốc.
Công ty Securency trả học phí cho con ông Lê Ðức Thúy theo học tại Anh Quốc.
please wait

No media source currently available

0:00 0:08:09 0:00
Tải xuống

Trong vụ cáo buộc tham nhũng tiền nhựa Polymer, một tòa án tại Melbourne khi cứu xét dự thẩm (committal hearing) đã bác bỏ lập luận của công tố viện liên bang Australia đối với các nghi can cựu viên chức của hai công ty Securency và Note Printing Australia gọi tắt là NPA.

Tám cựu viên chức của hai công ty này đã phải hầu tòa hồi cuối năm 2012 để công tố viện liên bang trình bày những bằng chứng sơ khởi trong cáo trạng hối lộ viên chức nước ngoài tại Việt Nam, Malaysia, và Indonesia; và đồng thời để luật sư của các nghi can này phản bác những cáo buộc ấy. Đây chưa phải là một tiến trình xét xử trước tòa về mặt nội dung, mà chỉ là giai đoạn sơ khởi để tòa án xem bằng chứng mà công tố viện trình bày, có đủ tín lực để một bồi thẩm đoàn có thể kết án các nghi can hay không.

Trước khi phiên tòa được tạm ngưng để nghỉ lễ Giáng Sinh và năm mới, Thẩm phán Phillip Goldberg tuyên bố quyết định của ông, theo đó cáo trạng mà công tố viện trình bày, liên hệ đến nghi can người Úc trong vụ in tiền nhựa Polymer cho Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, không đủ tính thuyết phục trước một bồi thẩm đoàn. Quyết định này chỉ liên hệ đến hợp đồng in tiền nhựa polymer cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) mà thôi. Tòa án sẽ tái nhóm vào tháng Hai năm nay 2013 để tiếp tục nghe lập luận của đôi bên trong cáo trạng liên hệ đến Malaysia và Indonesia.

Tuy Thẩm phán Phillip Goldberg có thể đã làm suy yếu lập luận của công tố viện trong trường hợp liên hệ đến Việt Nam, nhưng quyết định của ông không thể ngăn cản công tố viện liên bang trực tiếp trình bày nội vụ trước Tòa án Quản hạt (County Court) hay Tòa án Tối cao (Supreme Court), nếu công tố viện quyết định tiếp tục truy tố các nghi can.

Đây là vụ án đầu tiên và quan trọng tại Australia đối với các nghi can là công dân Úc, bị cáo buộc là đã hối lộ viên chức nước ngoài trong việc dành lấy hợp đồng thương mại, cá biệt là hợp đồng in tiền nhựa polymer, một phát minh của Ngân Hàng Trữ Kim Úc gọi tắt là RBA.

Trong thập niên 1980, RBA đã hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Kỹ nghệ liên bang Úc CSIRO trong việc sáng chế tiền nhựa polymer vừa bền lại vừa khó giả mạo, nên được coi là an toàn hơn tiền giấy đã được sử dụng trước kia tại Australia cũng như tai nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, RBA thành lập công ty NPA do RBA hoàn toàn làm chủ và công ty Securency do RBA làm chủ 50% và 50% còn lại hợp doanh với một công ty tại Anh Quốc. Hiện nay, công ty NPA đã chấm dứt hoạt động.

Hai công ty NPA và Securency đã theo đuổi một kế hoạch tiếp thị marketing rất năng động và đã giành được hợp đồng in tiền nhựa polymer của Úc với trên 30 quốc gia từ Châu Á đến Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng môi giới nước ngoài để làm trung gian giữa các đối tác địa phương – thông thường là Ngân Hàng Trữ Kim hoặc Ngân Hàng Nhà Nước – với NPA và Securency. Trong nhiều trường hợp – như sau này được tiết lộ - hai công ty Úc đã chi trả tiền hoa hồng rất cao cho các đại diện môi giới cộng thêm những ‘ngân khoản hành chính’ khác bị nghi ngờ là để hối lộ viên chức chính phủ nước ngoài.

Trong khi đó, vào năm 1999, Australia ban hành luật lệ chống tham nhũng trên thương trường quốc tế. Bộ luật Hình sự liên bang này cấm đoán công dân Úc hoặc công ty Úc lo lót hối lộ viên chức hoặc thân nhân viên chức nước ngoài để tranh thủ hợp đồng thương mại, mà hình phạt tối đa là 10 năm tù hoặc 1.100.000 đô la. Còn hình phạt đối với công ty là 300.000 đô la cho mỗi vi phạm. Các điều khoản này phản ảnh Công ước Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên âu chống tham nhũng mà Australia và nhiều nước khác, kể cả Việt Nam là thành viên.

Hai công ty NPA và Securency thu được nhiều lợi nhuận tài chính cho Ngân Hàng Trữ Kim Úc cho đến khi hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzie thuộc Phân Bộ Điều Tra của Công ty truyền thông Fairfax Australia, bắt đầu loạt điều tra hồi tháng 5 năm 2009. Công ty Fairfax xuất bản hai nhật báo lớn tại Australia là The Sydney Morning Herald và The Melbourne Age

Một trong những cáo buộc quan trọng của loạt phóng sự điều tra là viên chức NPA hoặc Securency đã sử dụng trung gian môi giới nước ngoài là viên chức chính phủ – chẳng hạn như ông Lương Ngọc Anh - mà loạt bài điều tra phóng sự trên nhật báo The Melbourme Age và The Sydney Morning Herald coi là đại tá tình báo của Bộ Công an CHXHCNVN, hoặc/và đã lo lót hối lộ viên chức chính phủ nước ngoài qua trung gian của đại diện môi giới để ký kết hợp đồng in tiền nhựa polymer như trường hợp ông Radius Christanto tại Indonesia.

Loạt phóng sự điều tra của báo chí Úc dẫn đến cuộc điều tra chính thức của Tổng nha Cảnh sát Liên bang Australia về mặt hình sự, và các cuộc chất vấn chính phủ tại Thượng viện Liên bang về mặt chính trị. Đảng Xanh đã chủ động tại nghị trường liên bang, nhưng đề nghị thành lập Ủy Ban Điều Tra Quốc Hội của Đảng Xanh không thành công vì không được Đảng Lao động cầm quyền và Liên đảng Tự do Quốc gia ở thế đối lập, chấp nhận.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, cuộc điều tra của giới chức thẩm quyền Australia và giới chức thẩm quyền Anh Quốc còn phát hiện vài chi tiết ly kỳ khác.

Tại Úc, đó là quan hệ chính thức và chuyên nghiệp giữa một nhà ngoại giao phái nữ Australia – là cô Elizabeth Masamune, Ủy Viên Trưởng Thương Mại Úc tại Việt Nam - và Đại tá tình báo Lương Ngọc Anh, và quan hệ tình dục riêng tư giữa hai người. Trước tòa án Melbourne, cô Elizabeth Masamune đã xác nhận quan hệ tình dục riêng tư này.

Tại Anh Quốc, Tổng cuộc Điều tra Tội phạm Nghiêm trọng gọi tắt là SFO (Serious Fraud Office) đã truy tố thương gia tên tuổi William Lowther, 73 tuổi, nguyên là một giám đốc của Công ty Securency tại Anh Quốc, với cáo buộc là đã ‘âm mưu’ (conspiracy) với năm người khác để hối lộ ông Lê Đức Thúy, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam từ tháng 12 năm 1999 đến tháng 8 năm 2007. Theo bản cáo trạng, ‘âm mưu’ này đã thể hiện qua việc ông William Lowther giúp đỡ con trai ông Lê Đức Thúy là Lê Đức Minh được theo học tại Durham University, một viện đại học danh tiếng tại Anh Quốc và đã trả chi phí cư ngụ 3.132 bảng Anh (tương đương với 4 801 Úc kim) và học phí 18.000 bảng Anh (tương đương với 27 692 Úc Kim). Ông William Lowther đã phủ nhận cáo buộc và luật sư của ông đã lập luận thành công trước bồi thẩm đoàn là bị can không hề biết rằng việc làm của ông là một phần của kế hoạch hối lộ ông Lê Đức Thúy. Ông William Lowther được trắng án, mặc dù ông đã chi hai ngân khoản nói trên.

Tại Úc, lập luận của các luật sư biện hộ cho nghi can có vẻ cũng đã thành công – ít nhất là trong giai đoạn dự thẩm trước Thẩm phán Phillip Goldberg tại Melbourne - mặc dù họ không phủ nhận là đã chi trả từ 7 đến 10% của trị giá hợp đồng 184 triệu đô la Úc, tương đương với 193 triệu đô la Mỹ, cho ông Lương Ngọc Anh. Theo biện minh của trạng sư đại diện nghi can người Úc, đây có thể là mức hoa hồng tham lam (greedy) nhưng không có bằng chứng gì về hối lộ tham nhũng.

Trong sự thiếu vắng của một nhân chứng từ Việt Nam, công tố viện Australia không thể trình Tòa bằng chứng cụ thể hành vi hối lộ tham nhũng viên chức nước ngoài, mà chỉ có thể ám chỉ với những bằng chứng suy diễn và gián tiếp mà thôi (circumstantial evidence).

Người ta chưa biết là công tố viện liên bang Australia sẽ tiếp tục truy tố các nghi can người Úc với cáo buộc hối lộ để giành được hợp đồng với Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG