Một loạt các tin tức kinh tế đáng thất vọng có thể buộc Bắc Kinh phải cắt giảm một số tham vọng chính sách đối ngoại mở rộng của mình, nhưng các nhà phân tích theo dõi các vấn đề về Bán đảo Triều Tiên cho rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Bình Nhưỡng sẽ không bị cắt giảm.
Nền kinh tế Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi các biện pháp phong tỏa do đại dịch hà khắc được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu, năng suất giảm và cắt giảm lương của khu vực công.
Tăng trưởng kinh tế trong quý 2 đã giảm xuống dưới 1%, trong khi mức tăng trưởng thường niên dự kiến là 5,6% trong năm nay.
Xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2020, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc công bố hôm 8/8.
Chỉ riêng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 14,5% trong tháng 7 so với một năm trước. Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý hai đạt 5,2% tổng thể với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao hơn 21% trong tháng 6.
Đó có thể là tin xấu đối với Triều Tiên, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu và là nhà cung cấp viện trợ kinh tế ổn định, từ nhiên liệu đến thuốc men và thực phẩm.
Sự phụ thuộc đó lớn hơn kể từ những năm 1990 do sự sụp đổ của Liên Xô cũ, vốn đã hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng, và do các chế tài quốc tế đã tăng tốc vì các vụ thử hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp thuận các chế tài của Liên hiệp quốc mà Hoa Kỳ đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an thông qua để đáp trả các vụ thử phi đạn ngày càng thường xuyên hơn của Bình Nhưỡng.
Nhưng các chuyên gia nói với VOA rằng việc cắt giảm viện trợ khó có thể xảy ra trong khi Bắc Kinh đối mặt với căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cũng lưu ý rằng viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách ước tính 3,4 nghìn tỷ đô của Trung Quốc. Họ nói rằng sự thiếu minh bạch ở cả hai quốc gia khiến khó tính các con số chính xác.
VOA đã liên lạc với Phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc để xin bình luận về khoản viện trợ nhận được từ Trung Quốc nhưng được hồi âm.
Chính trị đóng vai trò lớn
Các chuyên gia nói viện trợ kinh tế của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục vì những lý do địa chính trị.
Ông Troy Stangarone, giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc chuyên về thương mại Hàn Quốc và Triều Tiên, nói: “Các yếu tố chính trị, thay vì kinh tế, có xu hướng đóng một vai trò lớn hơn trong viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên”.
Ông Stangarone nói thêm: “Căng thẳng với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với Triều Tiên và Nga, tạo thêm động lực để Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Bình Nhưỡng trong thời kỳ nền kinh tế đang chậm lại”.
Trung Quốc đã thắt chặt quan hệ với Triều Tiên khi quan hệ Mỹ-Hàn phát triển mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây.
Mối quan hệ song phương tan băng giữa Seoul và Tokyo kể từ tháng 3 năm nay đã cho phép Washington tăng cường hợp tác an ninh ba bên với hai đồng minh của mình để bảo vệ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên và chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Ba nước dự kiến sẽ thảo luận về các cách tăng cường phòng thủ trong khu vực khi họp hội nghị thượng đỉnh tại Trại David vào tuần tới.
Khi phái đoàn Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 27 đến 30 tháng 7, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cam kết sẽ khôi phục mối quan hệ của họ lên “một tầm cao mới thông qua hợp tác chiến lược và chiến thuật chặt chẽ”, theo truyền thông chính thức của Triều Tiên.
Chuyến đi bao gồm tham quan một cuộc triển lãm vũ khí quân sự và tham dự một cuộc diễn hành giới thiệu vũ khí tiên tiến để kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định đình chiến chấm dứt giao tranh trong Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 7 năm 1953.
Biên giới mở lại
Kể từ khi Bình Nhưỡng dần mở cửa biên giới vốn bị đóng cửa vào năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, người ta đã phát hiện các xe tải và tàu chở hàng đi qua Cầu Hữu nghị Trung-Triều nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc và thành phố Sinuiju của Triều Tiên.
Ông Bradley Babson, cựu cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là thành viên hội đồng tư vấn của Viện Kinh tế Hàn Quốc, cho biết Trung Quốc không muốn Triều Tiên “suy sụp hoàn toàn về kinh tế”. Bắc Kinh được cho là muốn tránh sụp đổ kinh tế ở Triều Tiên để ngăn thảm họa nhân đạo và người tị nạn tràn vào Trung Quốc.
Ông Babson nói tiếp: “Trung Quốc sẽ làm những gì họ cảm thấy có lợi về mặt chính trị với Triều Tiên, và họ sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đang “được hưởng lợi từ việc Triều Tiên nghiêng về phía Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Tòa đại sứ Trung Quốc Liu Pengyu tại Washington hôm 7/8 nói với VOA rằng quan hệ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng là tốt cho sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên.
Ông nói: “Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là láng giềng hữu nghị sông liền sông núi liền núi.” “Củng cố và phát triển quan hệ song phương phục vụ lợi ích chung của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên và khu vực.”
Theo những điểm chính về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 mà ông Liu đưa ra cùng với nhận xét của mình, Trung Quốc đã chứng kiến “xu hướng tăng trưởng đi lên” với GDP tăng hơn 5%.
Doanh số bán hàng trong lĩnh vực dịch vụ của nước này tăng 21,5% và thương mại với các nước đối tác Vành đai và Con đường tăng 9,8%. Đồng thời, tạo việc làm ở thành thị đạt 6,78 triệu, theo số liệu của Tòa đại sứ mà ông Liu cung cấp. Ông Liu cho biết thêm rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi tốt trong sáu tháng đầu năm nay.”
Diễn đàn