Đường dẫn truy cập

'Sẽ có thêm các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên'


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Có nhiều phần chắc Bắc Triều Tiên sẽ lại tấn công miền nam bằng cách pháo kích thêm một tàu ngầm hay đổ bộ lên một hòn đảo biên giới do Nam Triều Tiên chiếm đóng. Ðó là dự báo của một nhà cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên đưa ra hôm nay.

Những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên đối với Nam Triều Tiên đang “ngày càng táo bạo và liều lĩnh hơn”, theo ông Ko Young Hwan, nay là một nhà khảo cứu thuộc Học viện An ninh Quốc gia INSS ở Seoul.

Ông Ko làm việc cho bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên từ năm 1978 cho đến lúc ông đào tỵ năm 1991 khi đang đảm nhận chức đệ nhất bí thư tại Ðại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Congo.

Ông Ko nói trong những thập niên vừa qua, Bắc Triều Tiên đã dựa vào những cuộc tấn công du kích và đã xảy ra mấy chục cuộc tấn công loại này sau khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 trong suốt thập niên 1990, để khiêu khích miền Nam, nhưng các hành động khiêu khích của họ “đang ngày càng mang tính cách chiến tranh thường lệ hơn.”

Nam Triều Tiên quy trách cho Bắc Triều Tiên đã đánh chìm một trong những tàu chiến ven biển của miền nam là chiếc ROKS Cheonan, vào ngày 26 tháng 3 năm 2010 bằng cách phóng ngư lôi trúng tàu. 46 thành viên trong đoàn thủy thủ 105 người đã tử nạn.

Ngày 23 tháng 11 năm đó, Bắc Triều Tiên lại pháo kích vào đảo Yeonpyeong, trúng cả các mục tiêu quân sự lẫn dân sự và làm 4 người Nam Triều Tiên thiệt mạng. Bắc Triều Tiên nói họ đáp trả một cuộc diễn tập quân sự mang tính cách khiêu chiến của Nam Triều Tiên.

Ông Ko nói lãnh tụ mới ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un, phải lập thành tích kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của thân phụ Kim Jong Il hồi tháng 12 năm ngoái, và đã làm như thế qua các hoạt động quân sự.

Ông Ko nói chuyện với một nhóm ký giả nước ngoài tại trụ sở của Cơ quan Tình báo Quốc gia mà INSS là một cơ quan trực thuộc.

Cùng với ông Ko còn có một cựu giới chức cấp cao của chính phủ Bắc Triều Tiên lên tiếng với điều kiện không nêu danh tính trong bối cảnh mà các giới chức gọi là những mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Bình Nhưỡng đòi ám sát các nhân vật quan trọng đi đào tỵ.

Cựu viên chức chính phủ này nói các biện pháp của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tiễu trừ các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên và truy lùng các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài đã phơi bầy nhiều giới chức ở Bình Nhưỡng có các ngân quỹ bất hợp pháp. Theo ông, các giới chức này đã bị thanh trừng hay hành quyết.

Cựu viên chức này nói ông Kim Jong Un đã có biện pháp chuyễn các hoạt động thủ đắc hiện kim có giá vững trên trường quốc tế từ tay quân đội qua Nội các.

Có lời đồn đoán rằng tư lệnh tối cao quân đội Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho, người đã bị bất chợt tước hết các chức vụ hồi tháng 7, bởi vì ông ta bị một chứng bệnh không nói rõ, có thể đã cưỡng lại hành động của ông Kim muốn loại quân đội ra khỏi các hoạt động béo bở đó.

Nói chuyện với các phóng viên tại Cơ quan Tình báo Quốc gia, cựu giới chức Bắc Triều Tiên không nêu danh cho rằng có thể ông Ri đã thâm lạm công quỹ bở vì từ thập niên 1990, đã có nhiều giới chức liên can đến các hoạt động kinh tế bị phát hiện cất giấu 500.000, hay thậm chí cả triệu đôla Mỹ trong nhà.

Ông Ko là người duy nhất có các nhận định được trích thuật tại trụ sở của Cơ quan Tình báo Quốc gia và được chấp thuận vô điều kiện. Các cuộc họp báo và gặp gỡ khác, ngoại trừ một cuộc đi thăm bảo tàng nhỏ của cơ quan tình báo, đều không được chính thức tường thuật.

Bảo tàng trưng bầy các vật dụng đã tịch thu được trong nhiều năm của các điệp viên Bắc Triều Tiên, gồm súng, máy thu thanh, bút gắn chất độc, hộ chiếu giả, và một chiếc tàu ngầm để thâm nhập.

Một bích chương thông báo những người thăm viện bảo tàng có thể quay số “111” là đường dây nóng để báo động cho NIS về những người bị nghi là điệp viên Bắc Triều Tiên. Các thông cáo tương tự về đường dây nóng này cũng thấy trên trang web của cơ quan tình báo http://www.nis.go.kr

Các khoản tiền thưởng tới 450.000 đôla được treo nếu bắt được một điệp viên như thế, trong khi khoản tiền thưởng 675 ngàn đôla được treo cho ai có thông tin dẫn tới việc bắt được một chiếc tàu gián điệp.

Một ngọn lửa tượng trưng được bầy trên một cái bục trước một tấm “lắc” với 48 ngôi sao tượng trưng cho con số các điệp viên của NIS đã tử nạn trong khi thi hành nhiệm vụ từ năm 1961 ở trong hay ngoài nước.

Một ký giả đặt câu hỏi “Có điệp viên nào thiệt mạng ở Bắc Triều Tiên hay không?”

Một trong các hướng dẫn viên không nêu danh tính trả lời là “Chúng tôi không thể xác nhận điều ấy.”

Cũng được trưng bầy là một mô hình với tỷ lệ 1/12500 thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên.

Các ký giả cũng đi thăm bên trong Cơ quan Tình báo Trung tâm Hòa nhập Thông tin Khủng bố, kể cả phòng họp chống khủng bố hỗn hợp, và Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, nhưng được thông báo chớ tường thuật về các cuộc họp ở đó, hay về những gì mà họ thấy.

Các thông tín viên muốn vào cơ quan đã phải ký một cam kết không tiết lộ bí mật cho bất cứ ai, nếu không sẽ phải “chịu mọi hình thức trừng phạt theo luật định.”

Nhóm truyền thông gồm 26 thành viên của Câu lạc bộ Ký giả Nước ngoài Seoul, đại diện cho các cơ quan truyền thông Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Ðài Loan và Việt Nam.

Chuyến thăm hãn hữu tuy không phải là chưa từng có được coi một phần như một nỗ lực của Cơ quan Tình báo Quốc gia nhằm cải thiện hình ảnh của mình giữa lúc có những lời chỉ trích liên tục về những thất bại tình báo có liên quan đến Bắc Triều Tiên và những hoạt động bất cẩn ở hiện trường.

Cơ quan Tình báo Quốc gia NIS, thành lập năm 1961 với danh xưng Cơ quan Tình báo Trung ương Triều Tiên, đã được cải tên là Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia vào năm 1981 trước khi mang tên hiện nay từ năm 1999.

Các cơ quan truyền thông nội địa đánh giá ngân sách thường niên của NIS dường như tổng cộng lên tới gần 1 tỷ đôla.

Cộng đồng tình báo quốc tế và NIS hay các điệp viên trước đây của các cơ quan tiền nhiệm đã nói chuyện với đài VOA trong mấy tháng vừa qua, đã dành cho cơ quan này của Nam Triều Tiên những đánh giá lẫn lộn. Một số đồng ý với các nhà lập pháp ở đây rằng cơ chế quan liêu của cơ quan này bị thổi phồng trong khi mất đi nhiều điệp viên có khả năng trong những thập niên vừa qua vì sự can thiệp chính trị duới nhiều chính phủ.

Một số điệp viên Nam Triều Tiên đã về hưu, mới đây đã nói chuyện với đài VOA, nêu ra trường hợp cá biệt của ông Kim Dae-jung, người đã làm tổng thống từ năm 1998 đến năm 2003 là đã cùng cơ quan này cho mục đích gián điệp chính trị, gây thiệt hại cho hình ảnh và hiệu năng của cơ quan.

Ông Kim đã tìm cách xoa dịu quan hệ với Bắc Triều Tiên và được trao giải Nobel hòa bình năm 2000.

Cơ quan dưới chính quyền hiện nay của Tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak cũng đối mặt với sự giám sát.

Một nhà lập pháp đối lập năm 2011 đã cáo buộc cơ quan là tiết lộ tình báo thiếu chính xác về Bắc Triều Tiên để che giấu những vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi riêng của cơ quan. Cáo buộc này được đưa ra sau vụ đột nhập phòng của một giới chức chính phủ Indonesia tại khách sạn sang trọng Lotte ở trung tâm thủ đô Seoul.

NIS đã bị chỉ trích nặng nề thêm vào cuối năm 2011 là lúc, theo các bản tin trong nước, cơ quan thừa nhận hoàn toàn không hay biết về cái chết của Kim Jong Il trước khi được Bình Nhưỡng chính thức loan báo vào ngày 19 tháng 12.

Cơ quan dường như cũng không xác nhận được liệu tân lãnh tụ Kim Jong Un đã kết hôn hay chưa kể từ năm 2009 trước khi cặp này được nhìn thấy đi chung trong các ảnh chụp và video của các cơ quan truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên hồi tháng 7 năm nay.

Cựu giới chức Bắc Triều Tiên Ko, khi được đài VOA hỏi hôm nay về những sự kiện được cho là thất bại tình báo, nói rằng NIS đã thành công khi dự báo việc Kim Jong Un lên kế nhiệm, “nhưng đã phải mất một thời gian trước khi có thể loan báo công khai.”

Ông Ko nói, “Giới truyền thông Nam Triều Tiên hay nước ngoài càng nói NIS ngu đần hay chậm chạp thì, trên thực tế, có nghĩa là “cơ quan này hoạt động tốt hơn."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG