Đường dẫn truy cập

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng mới của Ðài Loan ở Biển Đông


Tàu chiến lớp Perry của Hải quân Đài Loan trong cuộc tập trận ở Cao Hùng.
Tàu chiến lớp Perry của Hải quân Đài Loan trong cuộc tập trận ở Cao Hùng.
Ðài Loan thường vẫn không lớn tiếng về tuyên bố chủ quyền của họ đối với vũng lãnh hải tranh chấp trên Biển Ðông. Nhưng cuối tuần qua, các giới chức ở Ðài Bắc loan báo kế hoạch dự chi hơn 100 triệu đôla để xây dựng một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chiến. Kế hoạch này đòi hỏi phải nâng cấp một phi đạo trên cùng một hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA từ Ðài Bắc có bài tường trình về những thế lực đứng sau Ðài Loan trong động thái đầy quyết đoán này.

Dự định chi tiêu 112 triệu đôla của Ðài Loan cho dự án cầu cảng trong khuôn khổ một dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn trong 3 năm tới sẽ nâng vị thế của Ðài Loan trong vùng biển đang có tranh chấp gay gắt ở Biển Ðông, vào một thời điểm quan trọng khi mà các bên tranh chấp khác đang tự chế. Dự án cầu cảng và đường băng này nằm trên đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà phần lớn là đảo san hô không có người ở.

Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền lớn nhất trong vùng tranh chấp này, đang gia tăng các hoạt động tranh chấp với Việt Nam và Philippines trong vùng biển này từ đầu năm 2012 qua các hoạt động khoan thăm dò dầu khí.

Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang vận động lập một liên minh bí mật với Ðài Loan, nước cũng có một tranh cãi với Philippines trong năm nay. Brunei và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền một phần trong vùng biển này, nơi giàu thủy sản và là một hải lộ quan trọng.

Giáo sư Lâm Trung Bân thuộc khoa nghiên cứu chiến lược của Ðại học Ðạm Giang ở Ðài Loan nói rằng bây giờ Ðài Loan cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn sau mấy chục năm khiêm tốn.

Giáo sư Lâm cho rằng công chúng đang ngày càng lo ngại là người ta không chú ý đầy đủ đến đảo Ba Bình. Trước đây, ông nghĩ là người ta chú trọng nhiều tới việc giữ một vai trò khiêm tốn hoặc giữ hòa hoãn trên biển.

Giáo sư Lâm nói thêm rằng Tổng thống Mã Anh Cửu chú ý nhiều hơn đến tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông một phần là vì áp lực của Bắc Kinh đòi hợp tác trong các vấn đề lãnh thổ, nhưng ông cũng phải chú ý đến liên minh không chính thức của Ðài Bắc với Hoa Kỳ.

Giáo sư Lâm nói chính sách của Tổng thống Mã là làm sao để đứng giữa Bắc Kinh và Washington. Tăng cường chuyện đảo Ba Bình sẽ là một đáp ứng đối với yêu cầu của Bắc Kinh về vấn đề quản lý lãnh thổ. Mặt khác, Ðài Loan trước đây không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn thấy hòa bình trong khu vực này.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Ðài Loan đã căng thẳng trong mấy chục năm, trong lúc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Ðài Loan, bất chấp lịch sử - đây là một đảo quốc tự trị. Năm 2008 hai bên đã bắt đầu hợp tác trên một loạt các vấn đề nhằm xây dựng lòng tin với nhau và thúc đẩy cho nền kinh tế Ðài Loan. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ liên kết với Ðài Loan trong những vấn đề tranh chấp chính trị quốc tế. Nhưng nhiều người Ðài Loan muốn hai bên phải giữ khoảng cách trong lúc nước cựu thù trong cuộc Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ là Trung Quốc đang tăng cường phát triển quân sự.

Kế hoạch Trường Sa của Ðài Loan, hiện được trình lên cho quốc hội do đảng đương quyền nắm giữ, được đề ra sau một tranh cãi với Philippines hồi tháng 5. Lúc đó lực lượng tuần dương của Manila đã bắn chết một ngư dân Ðài Loan trong vùng lãnh hải trùng lắp chủ quyền, khiến gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao mới chỉ chấm dứt hồi tháng trước. Ðài Loan yêu cầu Manila phải ngồi vào bàn đối thoại về đánh bắt hải sản trước khi bỏ các lệnh chế tài kinh tế.

Cách đây một năm, lực lượng tuần dương Ðài Loan đã tiến hành 5 lần tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình. Các chuyên gia nói rằng những nước khác có tranh chấp chủ quyền trong khu vực cảnh giác theo dõi các động thái của Ðài Loan, nhất là trong tình huống Trung Quốc hùng mạnh về ngoại giao không để cho Ðài Bắc tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương về gìn giữ hòa bình.

Các giới chức Ðài Loan cho hay dự án xây dựng cầu cảng lớn sẽ hoàn tất vào năm 2016 và có thể sẽ là một phần của dự án cơ sở hạ tầng vận tải lớn hơn ở đảo Ba Bình.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG