Hàng nghìn ý kiến thể hiện trên mạng xã hội trong hai ngày qua cho thấy rất nhiều người dân phản đối kế hoạch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho xây một nhà hát trị giá 1.500 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một số kiến trúc sư danh tiếng phát biểu với hai báo mạng lớn, Zing và VietnamNet, cảnh giác rằng “không nên vội vàng” xây nhà hát như vậy, họ nói thông qua chủ trương xây nhà hát mới như vậy là “quá nóng vội”.
Tin tức trên báo chí trong nước cho hay Hội đồng Nhân dân Tp.HCM hôm 8/10 đã họp bất thường và thông qua dự án xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch mới, sẽ nằm ở quận 2, với số tiền đầu tư tương đương hơn 65 triệu đô la.
Các bản tin cho biết thêm là số tiền kể trên có nguồn gốc là tiền bán đấu giá một khu đất có vị trí đắc địa ở quận 1, trung tâm thành phố.
Những bệnh viện, hay trường học ở vùng kế cận nội thành chưa bao giờ được xây những cái lớn để mà [phục vụ] những cái bức thiết của đời sống người dân. Tại sao lại đi xây một cái nhà hát giao hưởng rất xa lạ với người dân? Chúng tôi thấy điều này là bất hợp lý.Ông Lê Văn Lung, dân oan Thủ Thiêm
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Lê Thanh Liêm, được một số báo trích lời phát biểu rằng việc xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là “thật sự cần thiết và cấp bách”.
Nhưng ngay sau khi các bản tin xuất hiện, rất nhiều người lập tức bày tỏ “bất bình” và “phản đối” dự án được lên kế hoạch dành cho khu đô thị vốn đầy những bê bối vì việc giải tỏa sai quy hoạch đã bị báo chí liên tục mổ xẻ, phân tích.
Phát hiện ‘vi phạm’ trong qui hoạch Thủ Thiêm, TP.HCM bị qui trách
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘mất’ hay ‘làm gì có’?
Cách đây hơn một tháng, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận rằng chính quyền Tp.HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ “có nhiều sai phạm” trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, “phá vỡ quy hoạch”, thể hiện “sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất”. Đây là kết quả của khoảng 10 năm ròng rã khiếu kiện của nhiều người dân địa phương.
Thành phố không tích cực ngồi lại với người dân giải quyết trước mắt để người dân chúng tôi có cuộc sống ổn định qua thời gian dài ở ngoài đường để đi đấu tranh. Bây giờ lại thông qua xây dựng nhà hát thì nó rất là phản cảm, vô cảm đối với bà con chúng tôi ngay vùng đất Thủ Thiêm.Ông Lê Văn Lung, dân oan Thủ Thiêm
Nhưng từ khi có kết luận của thanh tra đến nay, chính quyền thành phố “chưa ngồi lại” với người dân để giải quyết những điều bức thiết, theo lời ông Lê Văn Lung, một nạn nhân mất đất, cho VOA hay.
Ông Lung, 59 tuổi, một đại diện cho “dân oan” Thủ Thiêm, nói với VOA rằng họ “rất bức xúc” về chủ trương xây nhà hát:
“Thành phố không tích cực ngồi lại với người dân giải quyết trước mắt để người dân chúng tôi có cuộc sống ổn định qua thời gian dài ở ngoài đường để đi đấu tranh. Bây giờ lại thông qua xây dựng nhà hát thì nó rất là phản cảm, vô cảm đối với bà con chúng tôi ngay vùng đất Thủ Thiêm. Nó giống như đang thách thức những dân oan chúng tôi”.
Ông Lung cho biết hơn một tháng nay, những người dân mất đất liên tục ngóng chờ hàng ngày, hàng giờ, nhưng không thấy “bất cứ tín hiệu nào cả” về việc chính quyền sẽ sửa chữa sai lầm và đền bù cho dân.
Để thúc giục chính quyền trả lại nhà đất của dân bị giải tỏa sai, ông Lung và những người dân oan khác đã tiến hành các cuộc biểu tình 2 ngày hàng tuần trước các trụ sở của Thành ủy và UBND. Ông nói với VOA rằng trong cuộc biểu tình hôm 9/10, dân oan cũng phát loa phản đối dự án xây nhà hát.
Một video được lan truyền trên trang Facebook của bà Trương Thị Yến, một dân oan Thủ Thiêm, vào cùng ngày cho thấy một phụ nữ trung niên đứng trước cơ quan công quyền Tp.HCM nói qua loa phóng thanh trong 17 phút, trong đó có đoạn:
“Ông [Tổng Bí thư] Nguyễn Phú Trọng ơi, bây giờ ông phải chỉ đạo về Tp.HCM ngưng ngay [việc xây] cất cái nhà [hát] giao hưởng, và phải giải quyết toàn bộ cho dân Thủ Thiêm và Trường Thịnh. Các vị cất cái nhà giao hưởng chỗ đó là cất trên xương máu, mồ hôi, nước mắt và xác người dân oan Trường Thịnh và Thủ Thiêm chúng tôi ở đó”.
Vụ ‘mất bản đồ Thủ Thiêm’ sẽ dẫn đến một đại án quốc gia?
Đằng sau vụ đấu giá 9 lô đất vàng ở Thủ Thiêm
Nhà hát 1.700 ghế ngồi trong tương lai được giới chức thành phố mô tả là có mục đích “đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm”, theo các báo.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của người dân, ông Lê Văn Lung cho rằng nhà hát giao hưởng rất “xa vời” với đa số cư dân thành phố. Ông nói với VOA:
“Đối với dân thượng lưu có trình độ âm nhạc thì hoặc may người ta mới tới. Còn số đông người dân Tp.HCM này, trung lưu trở lại, thì cũng chưa hiểu. Những bệnh viện, hay trường học ở vùng kế cận nội thành chưa bao giờ được xây những cái lớn để mà [phục vụ] những cái bức thiết của đời sống người dân. Tại sao lại đi xây một cái nhà hát giao hưởng rất xa lạ với người dân? Chúng tôi thấy điều này là bất hợp lý”.
Trên mạng xã hội, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến cá nhân hoặc viết các bình luận trong các cuộc thảo luận trên một số diễn đàn mạng rằng họ ủng hộ và có chung quan điểm với những người dân Thủ Thiêm.
Trong số những người phản đối dự án là các nhà hoạt động xã hội dân sự, một số nhà báo, nhà văn, luật sư, doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng internet, như ông Đoàn Bảo Châu, ông Lê Luân, bà Lê Hoài Anh, ông Võ Văn Tạo, ông Đỗ Cao Cường, và ông Trương Châu Hữu Danh.
Trên báo chí chính thống, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia quy hoạch kiến trúc đẳng cấp quốc tế, được các trang Zing và VietnamNet hôm 9/10 trích lời nói rằng “Điều mà Thủ Thiêm cần ngay bây giờ, có lẽ không phải là nhà hát mà là xây cầu và hạ tầng”.
Kiến trúc sư có 30 năm kinh nghiệm nhận định rằng việc xây cầu “giúp kích thích Thủ Thiêm hơn nhà hát nhiều”, và theo ông với 1.500 tỷ thành phố “có thể xây được 2-3 cây cầu”.
Cùng ngày, mục Bạn đọc của báo Pháp luật Việt Nam đăng bài của người viết có tên Tuấn Ngọc đưa ra ý kiến rằng trong khi người dân ngã sấp mặt vì đường phố lụt lội khi triều cường, và Bệnh viện Nhi đồng bị quá tải, việc HĐND Tp.HCM vẫn quyết xây nhà hát cho thấy họ đang “quá xa dân” và quyết định của họ “không hợp đạo lý chút nào”.
Những tin tức trước đây cho thấy Cần Thơ và Vĩnh Long lần lượt khánh thành các bệnh viện 500 và 800 giường vào các năm 2016 và 2018 với giá trị là 860 tỷ và 970 tỷ, thấp hơn nhiều số tiền Tp.HCM dự định dành để chi cho nhà hát giao hưởng đang bị dân phản đối.