Hơn 50.000 người đã chết tại Mexico trong những vụ bạo động vì ma túy, kể từ khi chính phủ nước này tung chiến dịch chống các băng đảng ma túy vào tháng 12 năm 2006.
Trong phúc trình mới ra, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở London cho rằng các nước phương Tây đã thua trong trận chiến ma túy. Tác giả phúc trình là Nigel Inkster, một cựu giám đốc của MI6, cơ quan tình báo của Anh:
“Mexico bây giờ có hai cuộc chiến. Một giữa chính phủ và các băng đảng ma túy, một là giữa các băng đảng với nhau. Afghanistan là một ví dụ khác cho thấy ma túy không gây ra cuộc chiến hiện nay, vì ma túy đã có trước đó, mà là nguyên nhân kéo dài cuộc chiến.”
Lực lượng NATO và Afghanistan vừa chống lại những người sản xuất thuốc phiện-dùng để chế heroin - vừa chống lại phe Taliban. Nhà chức trách nói hai thứ này thường có liên hệ với nhau.
Liên Hiệp Quốc ước tính trong năm 2011, Afghanistan có 123.000 hecta trồng thuốc phiện, cung cấp hơn 60% cho thị trường thế giới.
Sản xuất thuốc phiện tại Miến Điện tăng 20% từ 2009 đến 2010. Tác giả phúc trình cho biết:
“Nếu ta diệt được bọn sản xuất ở chỗ này thì chúng lại mọc lên ở chỗ khác. Các con đường vận chuyển ma túy cũng vậy. Chúng ta dẹp được con đường này thì sẽ có các con đường thay thế khác mọc ra.”
Tây Phi bây giờ cũng là điểm trung chuyển các loại ma túy sang châu Âu.
Các con số mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho thấy mức sử dụng cocaine tại châu Âu trong vòng thập niên qua đã tăng gấp đôi. Tính chung trên toàn cầu, ước tính tổng số người sử dụng ma túy lên đến 210 triệu.
Ông Inkster tin rằng nếu không tận diệt được ma túy thì ta nên quản lý nó, giống như đã làm với thuốc lá vậy:
“Các nước thu được rất nhiều thuế nhờ thuốc lá, mặc dù trong những năm vừa qua, hút thuốc lá không còn được nhiều xã hội chấp nhận.”
Ông cảnh báo rằng nếu không hợp pháp hóa ma túy, các nước ngày càng bị lôi kéo vào những vụ mua bán ma túy bất hợp pháp, với những hậu quả tai hại cho cả hai phía.
Các số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho thấy nạn sản xuất và tiêu thụ ma túy chỉ có tăng chứ không giảm mặc dù đã mở nhiều cuộc “chiến tranh ma túy.” Có người đề nghị nếu không tiêu diệt được thì hợp pháp hóa đi, để cho dễ quản lý. Quả là một đề tài dễ gây tranh luận.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1