Đường dẫn truy cập

Đợt thả tù ở Việt Nam gây chú ý trong truyền thông quốc tế


Hội Ân xá Quốc Tế nhận định rằng việc Hà Nội trả tự do sớm cho nhiều tù nhân lương tâm là đáng hoan nghênh, tuy nhiên nêu bật tình cảnh của ít nhất 70 người khác vẫn còn bị giam cầm.
Hội Ân xá Quốc Tế nhận định rằng việc Hà Nội trả tự do sớm cho nhiều tù nhân lương tâm là đáng hoan nghênh, tuy nhiên nêu bật tình cảnh của ít nhất 70 người khác vẫn còn bị giam cầm.
Truyền thông quốc tế hôm nay tiếp tục chú ý tới đợt thả các nhà tranh đấu dân chủ Việt Nam, sau khi Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và blogger Vi Đức Hồi được phóng thích trước khi mãn hạn tù.

Đài Phát thanh NPR tại thủ đô Washington, các tờ báo Wall St Journal, New York Times đều phổ biến các bài viết liên quan tới diễn biến mà đa số cho là 'đáng khích lệ', nhưng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tin của hãng thông tấn AP, đài NPR chiều 14 tháng Tư tường thuật rằng trong tháng này, Hà Nội đã trả tự do cho 3 nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, kể cả Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trước đó. AP dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn thị Thái Thông nói rằng những vụ phóng thích này là kết quả của “chính sách khoan hồng” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Bản tin này dẫn lời hai nhân vật quen thuộc với các cuộc thương thuyết - không muốn cho biết danh tính, nói rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã được thả với điều kiện ông phải rời Việt Nam để đi Mỹ.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ra thông báo hoan nghênh việc trả tự do cho hai nhà bất đồng mới nhất, nói rằng đây là một diễn biến tích cực cho nhân quyền tại Việt Nam.

Người phát ngôn của Ðại sứ Mỹ Spencer Cryder nói: “Chúng tôi khuyến khích chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm, và cho phép tất cả mọi người dân được bày tỏ quan điểm của họ mà không sợ bị trừng phạt.”

Các giới chức Mỹ trước đó đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thỏa thuận thương mại đang trong vòng thương thuyết– là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, sẽ không được phê chuẩn tại quốc hội Mỹ, trừ phi chính phủ Việt Nam chứng tỏ họ đã có những bước để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.

Hội Ân xá Quốc Tế hôm qua nhận định rằng tin về việc trả tự do sớm cho nhiều tù nhân lương tâm là đáng hoan nghênh, tuy nhiên “nêu bật tình cảnh của ít nhất 70 người khác vẫn còn bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa”.

Ông Rupert Abbott, Phó giám đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái bình dương của Hội Ân xá Quốc Tế nói rằng Hội hân hoan đón nhận tin Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi và Luật sư Cù Huy Hà Vũ được ra khỏi nhà tù, nhưng lẽ ra họ không bao giờ phải ngồi tù mới phải.

Hội Ân xá Quốc Tế nói những vụ phóng thích vừa rồi là một bước đi theo đúng hướng cho quyền tự do ngôn luận, và Hội Ân xá Quốc Tế hy vọng rằng đợt thả tù nhân lần này phản ánh một sự chuyển đổi trong sự cam kết của Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền.

AP tường thuật rằng những “động thái bất thường” này diễn ra trong bối cảnh Hà nội đang thương thuyết một hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, mà theo dự kiến sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Việt Nam.

Nói chuyện với Ban Việt ngữ Đài VOA, một nhà tranh đấu cho dân chủ ở trong nước, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Cao Trào Nhân Bản, và là Chủ tịch của tổ chức này, nhận định về sự liên hệ giữa cuộc thương thuyết TPP và đợt phóng thích tù nhân mà ông cho là đáng chú ý nhất kể từ năm 1975. Bác sĩ Quế nói:

“Về vấn đề gia nhập TPP đòi hỏi là phải có những công đoàn tự do và Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Vì suy sụp kinh tế, vì áp lực của quần chúng, vì áp lực của Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam đã đến lúc bắt buộc phải lấy quyết định. Một trong những quyết định đó là thỏa mãn những áp lực của quần chúng trong nước, thỏa mãn những đòi hỏi của ASEAN, cũng như của các siêu cường trong đó Mỹ đóng một vai trò rất quan trọng.”

VOA: Bác sĩ có nghĩ là sau đợt thả tù nhân lần này, có cơ may Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ đến thăm Hà Nội trong chuyến đi công du Á Châu sắp tới của ông không?

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: “Vâng, đây chỉ là một phần trong cuộc thương thuyết giữa 12 nước và Hà Nội về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương. Còn phải tùy theo những tiến triển, nhưng hiện giờ theo tôi biết thì Hà Nội đang ở thế bị động và rất muốn cứu nguy nền kinh tế, mà cái phao cứu nguy chính là TPP. Chuyện Tổng Thống có đến hay không đến thì theo tôi, còn tùy thuộc sự tiến triển của TPP.”

Giới hoạt động và các nhà ngoại giao đang theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam nói rằng chính quyền Việt Nam dường như đang tìm cách tránh những vụ án chống những nhân vật bất đồng được nhiều người chú ý, bằng cách không truy tố nhiều người như trong thời gian vừa qua, tuy nhiên những hành động sách nhiễu và đôi khi các cuộc tấn công bạo động nhắm vào những nhà hoạt động vẫn tiếp tục gia tăng.

Nguồn: NPR, WSJ, New York Times, AP

VOA Express

XS
SM
MD
LG