Đường dẫn truy cập

Không đồng minh vĩnh viễn; cũng chẳng kẻ thù vĩnh cửu


Thiện Ý


Thực tế là Trung Quốc ngày càng có thêm những hành động xâm phạm thô bạo chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mà gần nhất là vụ Bãi Tư Chính đã gây căng thẳng cao độ quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc; cũng như trong quan hệ quốc tế đã và đang đe dọa sự ổn định trong khu vực và hòa bình thế giới.

Đứng trước thực tế trên, cho đến lúc này, trong công luận có hai khuynh hướng trái ngược về đối đối sách của nhà đương quyền Việt Nam với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông:

  • Cần thay đổi đối sách với Trung Quốc
  • Cần tiếp tục đối sách bao lâu nay với Trung Quốc

I - CẦN THAY ĐỔI ĐỐI SÁCH VỚI TRUNG QUỐC

Những ngưởi theo khuynh hướng này, trong đó có chúng tôi đã thể hiện khuynh hướng của mình trên diễn đàn này qua bài viết “Đã đến lúc Việt Nam chấm dứt đối sách ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”. Vì sao?

Theo lập luận của chúng tôi được trình bày chi tiết trong bài viết nêu trên, thì có hai căn cứ để cần thay đổi đối sách “Đi dây” trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Hoa Kỳ và từ bỏ chủ trương “Ba không” trong quan hệ đa phương với cộng đồng các quốc gia trên thế giới ((Không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không về phe nước nào chống lại một nước khác).

1 - Vì chính sách đi dây này không có hiệu quả trên thực tế, đang tiến dần đến nhiều nguy cơ, dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng theo đuổi hàng thập niên qua. (1)

2 - Vì đến lúc này, Việt Nam đã có đủ các yếu tố chủ quan cũng như khách quan thuận lợi để chấm dứt chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. (2)

II - CẦN TIẾP TỤC ĐỐI SÁCH BAO LÂU NAY VỚI TRUNG QUỐC

Theo khuynh hướng cần tiếp tục đối sách bao lâu nay của nhà đương quyền Việt Nam với Trung Quốc là “Đi dây” trong quan hệ song phương với Trung Quốc và với Hoa Kỳ, duy trì chủ trương “Ba không”. Lập luận rằng, nếu thay đổi thì:

1 - Trung Quốc sẽ có phản ứng điên cuồng, bất lợi và gây nhiều khó khăn nhiều mặt cho Việt Nam không thể vượt qua. Khuynh hướng này cho rằng sự lựa chọn như thế sẽ rất nguy hiểm, đưa đến hậu quả nghiêm trọng, nhiều mặt khó lường do Trung Quốc gây ra. Trong khi quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ bấp bênh, không có gì bảo đảm đáng tin cậy, do thực tế Hoa Kỳ có thể bỏ rơi Việt Nam, nếu sau đó Hoa Kỳ và Trung Quốc thỏa thuận được với nhau về phân chia quyền lực trong vùng và quyền lợi tại Biển Đông.

Khuynh hướng này đơn cử trường hợp mới đây Trung Quốc chỉ mới cố tình kéo dài thời gian kiểm soát thuế quan hàng thực phẩm tươi sống nhập từ Việt Nam qua biên giới, cũng đã làm nhiều mặt hàng hư thối. Trong khi kinh tế Việt Nam bao lâu nay lệ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc. Đó là chưa kể những đòn trừng phạt quân sự, liệu Hoa Kỳ có giám can thiệp bênh vực khi Việt Nam liên minh với Hoa Kỳ; hay lại như trường hợp của Philippine, một nước có hiệp ước liên minh quân sự với Hoa Kỳ, khi bị Trung Quốc chiếm một đảo của mình yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp thì đã bị Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thời Tổng Thống Barack Obama thoái thác, rằng “Biển Đông đủ lớn cho Trung Quốc có phần” (?)

2 - Về quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ bấp bênh, không có gì bảo đảm. Khuynh hướng này cho rằng, kinh nghiệm thưc tế cho thấy Hoa Kỳ từng là đồng minh không đáng tin cậy; từng được thực tế cho thấy, vì quyền lợi thiết thân của quốc gia, Hoa Kỳ có thể “Phản bội, bán đứng đồng minh”.

Dẫn chứng thực tế trong quá khứ xa gần như: Trong thời kỳ chiến tranh Quốc- Cộng; Nam - Bắc (1954-1975) Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam đã bị đồng minh Hoa Kỳ phản bội, bỏ rơi cho cộng sản Bắc Việt thôn tính, cộng sản hóa Miền Nam. Đó là hệ quả sau khi Hoa Kỳ đã bắt tay được với Trung Quốc qua Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 được ký kết giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông; hay như Mỹ bõ rơi đồng minh Đài Loan để Trung Quốc chiếm chỗ trong Liên Hiệp Quốc năm 1995. Tất cả chỉ vì thị trường béo bở trên 1 tỷ dân Hoa lục hấp dẫn hơn nhiều so với thị trường tiêu thụ vũ khí ở Việt Nam qua cuộc chiến; hay so với thị trường tiêu thụ hàng hóa không đáng kể, với vài chục triệu dân của đảo quốc Đài Loan.

Một vài trường hợp điển hình khác ở nơi này nơi khác trên thế giới, cũng được khuynh hướng này dẫn chứng như: Nicaragua một nước ở Trung Mỹ từng là đồng minh của Hoa Kỳ, rồi vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Tướng Daniel Ortega Tổng thống xứ này đã bị Hoa Kỳ bắt đem về Hoa Kỳ xử tội “buôn bán ma túy” vào những năm đầu thập niên 2000. Và gần nhất vẫn đang là vấn đề thời sự là vụ Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh người Kirdistan ở vùng Trung Đông cho Thổ Nhĩ Kỳ triệt hạ, sau khi Tổng thống hai nước Mỹ-Thổ thỏa thuận ngầm được các quyền lợi song phương giữa hai quốc gia… Mặc dầu trước đó khối người Kurdistan từng là đồng minh giúp Hoa Kỳ tiêu diệt khủng bố ISIS.

III - NHẬN ĐỊNH

Trên đây là những quan ngại làm căn cứ lập luận cho rằng Việt Nam không nên “từ bỏ chính sách ‘Ba Không’ để liên minh quân sự với Mỹ” . Nhưng với nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người khác cùng nhận thức, quan điểm, thì tất cả những quan ngại này dù là thực tế, song đều có thể hóa giải được, một khi Việt Nam dứt khoát “từ bỏ chính sách đi dây song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” để “thoát Trung”, liên kết với Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh trong một liên minh chống để ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc, không để bị Trung Quốc tiếp tục dùng “Vòng Kim Cô Đỏ” từ quá khứ đến hiện tại, xiết cổ, kìm kẹp, ỷ mạnh hiếp yếu “bắt nạt Việt Nam” mãi được.

Bởi vì “Không có đồng minh vĩnh viễn, cũng chẳng có kẻ thù vĩnh cửu”. Thực tế đã như một quy luật xã hội, quyền lợi của quốc gia nào cũng thế, luôn được coi là tối thượng. Một khi các quốc gia có quyền lợi tương đồng thì hình thành các liên minh, khi lợi ích dị biệt thì liên minh tan rã.

Lịch sử đã cho thấy nhiều bằng chứng, đơn cử: Trong thế chiến II (1939-1945), Mỹ-Anh-Nga-Pháp-Trung Hoa Dân Quốc… là đồng minh chống lại Phe Trục Đức-Ý-Nhật, vì có chung mục đích và quyền lợi. Sau Thế chiến II, trong cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu, hình thành thế giới lưỡng cực, Nga-Trung cộng cầm đầu phe xã hội chủ nghĩa, Hoa Kỳ lãnh đạo phe tư bản chủ nghĩa với các đồng minh Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật… Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hay chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới đa cực, hình thành các liên minh mới cạnh tranh nhau trên thị trường…

Và chẳng ở đâu xa, trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954-1975), một hình thái “Chiến tranh nóng” (Hot War nơi các nước nghèo) bên cạnh hình thái “Chiến tranh Lạnh” (Cold War giữa các nước giàu) Hoa Kỳ và các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Nhật trong “Phe tư bản chủ nghĩa” đều là đồng minh của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam. Trong khi quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc (ngụy dân tộc, ngụy dân chủ, cộng hòa) nằm trong liên minh “Phe các nước xã hội chủ nghĩa” đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc. Thế nhưng, sau chiến tranh, từ năm 1995 Việt Nam dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, được Hoa Kỳ nối lại bang giao, từ đối phương trên chiến trường trở thành đối tác rên thị trường. Từ đó, sau đó và nhờ đó Việt Nam đã có cơ hội từng bước phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế, để có bộ mặt “Phồn vinh” như hôm nay. Mặc dầu người dân ai cũng biết “bộ mặt phồn vinh” hôm nay là kết quả của con đường làm ăn “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” (trừ các dư luận viên của nhà đương quyền” ăn cơm Đảng múa tối ngày”). Nhưng vì sĩ diện, nhà đương quyền Việt Nam vẫn phải chơi trò gian thương “treo đầu dê bán thịt chó” (xanh vỏ đỏ lòng), rằng đó là nhờ con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, như chúng tôi đã vạch trần trong nhiều bài viết trước đây trên diễn đàn này.

Nhưng nói gì thì nói, chính thực tế hôm nay, sau gần 25 năm thực hiện “Đối sách đi dây” (1995-2019) mềm dẻo, khôn khéo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều nhờ Hoa Kỳ. Theo nhận định của chúng tôi, đến lúc này, Việt Nam đã có đủ các yếu tố chủ quan cũng như khách quan thuận lợi để chấm dứt chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (3).về mặt chủ quan Việt Nam ngày nay đã tạo được các diều kiện cần thiết để “thoát Trung”, chỉ cần tạo thêm “điều kiện đủ” là từ bỏ “Đối sách đi dây” mạnh dạn tham gia liên minh với Hoa Kỳ và các đồng minh, không phải để chống Trung Quốc, mà để có thế lực tự vệ, giúp bảo vệ đất nước trước tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc. Muốn làm được điều này, những người lãnh đạo đảng cầm quyền độc tôn và nhà nước độc tài toàn trị Việt Nam hôm nay, chỉ cần có dũng khí, vượt qua sự sợ hãi do ám ảnh “bóng ma” quá khứ do đã “ngả theo Liên Xô” (sau 1975 ít năm) nên bị Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bài học” (1979) gây khốn đốn nhiều năm cho Việt Nam đến độ phải cầu hòa xin bám trở lại trụ cột “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Trung Quốc(đang dãy chết) qua mật ước Thành Đô (1990).

Thế nhưng, các Ông Bà lãnh đạo “Đảng và Nhà nước ta” nên nhớ rằng thế lực của Liên Xô vào thời điểm Việt Nam chọn làm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô đang rãy chế, nên đành bỏ mặc Việt Nam tự giải quyết mọi khó khăn do Trung Quốc gây ra; hoàn toàn khác với thế lực của Hoa Kỳ lúc này (siêu cường).Nếu chọn đứng vào hàng ngũ với Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác trong một liên minh có mục tiêu chung gián chỉ tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, vì có chung lợi ích với Việt Nam. Nếu vì sự lựa chọn này Việt Nam gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc gây ra, thì lãnh đạo Việt Nam hãy vững tin một cách có cơ sở rằng, Hoa Kỳ và đồng minh có thừa khả năng giúp Việt Nam vượt qua tất cả. Đó là sự thật. Đừng để vuột mất cơ hội thuận lợi để “thoát Trung” khi có quyết định quá trễ.

(1,2,3) Xin đọc thêm chi tiết nơi điểm trong bài viết Đã đến lúc Việt Nam chấm dứt đối sách ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳđã được VOA cho đăng tải và còn lưu trên diễn đàn này.

XS
SM
MD
LG