Eunjung Cho
DOHA, QATAR—Trong cái nóng gay gắt của Qatar, gần 3.000 người lao động Bắc Triều Tiên làm việc quần quật trên những công trường xây dựng trong những điều kiện khắc nghiệt.
Những người lao động và quản lý công trường địa phương nói với VOA rằng họ làm việc rất nhiều giờ đồng hồ và phần lớn lương của họ bị giới chức Bắc Triều Tiên tịch thu. Một người lao động Bắc Triều Tiên nói chỉ có những người không có tiền bạc mới đồng ý làm việc ở nước ngoài.
"Nhiều người ra nước ngoài vì họ không có vốn," ông nói. "Thật khó sống ở quê nhà mà không có vốn. Để có được công việc cần phải có tiền. Làm bất cứ chuyện gì cũng phải cần tiền. Không có tiền nên mới phải ra nước ngoài. Nhưng thực tế là ngay cả khi ra nước ngoài rồi mà cũng không thể để dành tiền được."
Người đàn ông này, trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu tên, đi lại bên ngoài một công trường xây dựng ở Doha. Ông thề sẽ không bao giờ làm việc ở nước ngoài nữa.
"Tôi à? Tôi sẽ không bao giờ ra nước ngoài nữa. Không chỉ có mình tôi mà ai cũng nói vậy cả. Chúng tôi ra nước ngoài để kiếm tiền cho bản thân chứ đâu phải để bị quản lý hay bí thư đảng bóc lột. Nói thật công nhân làm việc ở Qatar đang kiếm tiền cho quản lý và bí thư đảng," ông nói.
Ông than phiền hầu hết tiền lương của ông biến mất vì chính phủ Bắc Triều Tiên lấy đi một khoản lớn cho vào "quỹ trung thành" và những công ty tuyển dụng lao động Bắc Triều Tiên ở Qatar lấy thêm một khoản lớn khác cho nhiều "chi phí khác."
"Ban đầu lẽ ra tôi được trả 750 đôla, hay 2.500 riyal của Qatar. Nhưng sau khi trừ đi khoản này khoản kia, lương xuống còn khoảng 150 đôla. Rồi sau khi trừ thêm những chi phí linh tinh, tôi còn lại mỗi 100 đôla," ông nói.
Ông nói những người mang về nhà được 2.000 đôla sau ba năm làm việc tại Qatar là may mắn lắm.
Những công ty tuyển dụng
Có khoảng 1,4 triệu người nước ngoài làm việc tại Qatar. Hầu hết, trong đó có người Bắc Triều Tiên, làm việc ở những công trường xây dựng.
Có bốn công ty tuyển dụng của Bắc Triều Tiên ở Qatar: Công ty Xây dựng Sudo, Công ty Xây dựng Gunmyung, Công ty Xây dựng Namgang và Genco. Cả bốn công ty đều được Văn phòng Xây dựng Nước ngoài của Bình Nhưỡng quản lý. Trong số bốn công ty này, Công ty Xây dựng Namgang có nhân viên là binh sĩ Bắc Triều Tiên. Họ không được trả lương hàng tháng nhưng thay vào đó nhận được 3.000 đôla khi trở về Bắc Triều Tiên.
Một tác dụng phụ của tình trạng lương thấp là nhiều công nhân Bắc Triều Tiên bị cám dỗ tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp. Người Bắc Triều Tiên có tiếng là những người sản xuất rượu lậu lớn nhất ở Qatar, nơi mà chỉ có người nước ngoài có thu nhập hơn 1.100 đôla một tháng mới có được giấy phép sử dụng rượu.
Nhiều người lao động nhập cư, tới Qatar từ khắp nơi trên thế giới, thèm một ly rượu sau một ngày dài làm việc. Và người Bắc Triều Tiên phục vụ họ, bất chấp nguy cơ bị bắt.
Tuần trước, một thông dịch viên người Bắc Triều Tiên làm việc cho một công ty tuyển dụng của Bắc Triều Tiên ở Qatar bị trục xuất vì buôn lậu, sau khi bị cảnh sát Qatar bắt giữ trong một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên. Người này khi đó đang chở một xe đầy rượu bất hợp pháp trong khu công nghiệp Sanaiya, và chiếc xe do một người Bắc Triều Tiên đứng tên. Bởi vì người Bắc Triều Tiên có tiếng là sản xuất rượu trái phép, giới chức Qatar rà soát hết tất cả những xe ô tô do người Bắc Triều Tiên đứng tên.
"Khi người ta bị cảnh sát bắt vì buôn lậu, họ bị trục xuất về nước," một người lao động Bắc Triều Tiên cho biết. "Gần đây, bốn người đã bị trục xuất. Nhưng vẫn có những Bắc Triều Tiên khác thoát được. Họ bán cho người Triều Tiên và những người quốc tịch khác. Một chai là 15 won, giá khoảng 5 đôla. Gía như vậy là quá đắt. Nhưng chúng tôi vẫn uống cho đầu óc tỉnh táo và để cảm thấy thoải mái hơn."
Ông nói những người tham gia buôn lậu kiếm được ít nhất 10.000 đôla trong sáu tháng.
Người lao động Bắc Triều Tiên lần đầu tiên xuất hiện ở Qatar vào năm 2003. Công ty Xây dựng Sudo và Namgang thâm nhập thị trường vào năm đó, theo sau là Genco vào năm 2010.
Nằm trong khu vực Vịnh Tây của Doha, với những khách sạn và những tòa nhà chọc trời hào nhoáng, là một số công trường thuê mướn lao động Bắc Triều Tiên. Một khách sạn hạng sang đang thi công tại một địa điểm dự kiến sẽ hoàn tất trong tám tháng.
Một kỹ sư Ấn Độ tại địa điểm này chỉ lên trên và cho biết có khoảng 100 người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở tầng cao nhất trên giàn thép gia cường.
Những ngày làm việc rất dài
VOA tiếp cận được một công nhân người Bắc Triều Tiên sau khi nói chuyện với nhiều người lao động tại công trường, đến từ Sri Lanka, Nepal, Ấn Độ, Ai Cập và Syria. Người đàn ông này tỏ ra rất ngờ vực và không muốn nói chuyện.
Ông ta không trả lời nhiều câu hỏi, nhưng nói rằng người Bắc Triều Tiên tại công trường này ngưng làm việc vào 10 giờ tối. Người lao động từ những nước khác đã bắt đầu rời công trường từ 5 giờ chiều và những người làm ca đêm cũng đã tới. Tất cả các công trường xây dựng tại Qatar bắt đầu làm việc lúc 6 giờ sáng.
Một quản lý xây dựng người Hàn Quốc tại Qatar, yêu cầu chỉ nêu tên họ là Lee, cho biết người Bắc Triều Tiên làm rất nhiều giờ.
"Thông thường người ta làm hoặc ca ngày hoặc ca đêm," ông nói, "nhưng người Bắc Triều Tiên làm cả hai ca. Những người trong ngành xây dựng ở đây kinh ngạc và sững sờ vì thời gian làm việc dài đến vậy. "
Cách trung tâm Doha mười hai cây số là khu vực công nghiệp Al Sailiya. Nằm trên một khoảng đất rộng là một khu trại của người lao động Bắc Triều Tiên. Lúc 5 giờ sáng, khi trời vẫn còn rất tối, những xe buýt chở công nhân Bắc Triều Tiên nối đuôi nhau rời khỏi khu nhà. Đèn pha cho thấy thoáng qua những tòa nhà ký túc xá, những kiến trúc tạm thời làm bằng ván ép sơn màu xám, với mái nhà là những tấm tôn.
Một công nhân Bắc Triều Tiên cho biết có những phòng ký túc xá cho bốn, sáu hoặc tám người. Phòng đông đúc và chật chội, người này nói, nhưng ít nhất có gắn máy điều hòa.
Ngủ trên ván ép
Đối với những người lao động khác, điều kiện sinh hoạt còn tồi tệ hơn. Giám đốc điều hành Công ty Xây dựng Hàn Quốc Lee Jong Sul nói ba năm trước, 40 người Bắc Triều Tiên ngủ ở công trường xây dựng suốt một tháng. Ông nói sau khi làm việc rất muộn vào ban đêm, họ ngủ trên ván ép và chăn.
Một số người nói với VOA rằng người Bắc Triều Tiên là những người lao động nhập cư dáng vẻ gầy gò nhất ở Qatar. Một công nhân Bắc Triều Tiên cho biết công nhân ăn đồ ăn Triều Tiên và không bao giờ bỏ bữa, nhưng ngoài mấy chén cơm, thực phẩm rất nghèo nàn.
Bắc Triều Tiên được xem là một trong những nước áp chế nhất và nghèo nhất trên thế giới. Chính quyền cộng sản đã phải cố sức nuôi sống người dân kể từ khi nạn đói xảy ra vào giữa những năm 1990. Ước tính có khoảng 50.000 người Bắc Triều Tiên hiện đang làm việc tại 16 nước khắp thế giới, gửi nguồn ngoại tệ mạnh về Bình Nhưỡng.