Đường dẫn truy cập

Đổi tên một phần Biển Đông, Indonesia cảnh báo Trung Quốc


Một tàu tuần duyên của Trung Quốc tuần tra Biển Đông
Một tàu tuần duyên của Trung Quốc tuần tra Biển Đông

Động thái của Indonesia, đổi tên một phần Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) đang tranh chấp, được coi như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc rằng Jakarta có ý định tăng cường bảo vệ tuyên bố chủ quyền mà không gây tranh cãi tại thời điểm này.

Hãng thông tấn Antara của Indonesia, hôm thứ Sáu 14/7 dẫn lời một thứ trưởng đặc trách các vấn đề hàng hải phát biểu ở Jakarta nói rằng Indonesia sẽ đổi tên một vùng biển phía tây-bắc đảo Borneo thành "Biển Bắc Natuna", phù hợp với các dự án thăm dò dầu khí có cùng tên gọi. Khu vực này gần quần đảo Natuna, một chuỗi gồm 272 hòn đảo của Indonesia, chồng lấn phần cực nam của cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc vạch ra từ bờ biển phía Nam nước này.

Indonesia khẳng định chủ quyền

Các nhà phân tích nói quyết định đổi tên về phần lớn chỉ có tính cách hình thức, nhưng đây là một lời cảnh cáo đối với Trung Quốc, thường được Indonesia coi như một nước bạn, và cùng lúc, cảnh báo các nước khác hãy tránh xa khu vực này.

Giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Úc, ông Carl Thayer, 1 chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, nói:

"Tôi không gọi đó là một cơn bão trong một tách trà nhưng thực tế là, các tàu đánh cá Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Indonesia viện lẽ đây là khu vực ‘đánh bắt truyền thống lịch sử’ của họ, và Indonesia kiên quyết đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi nơi này. Nhưng việc đổi tên vùng biển đó không phải là ra tuyên bố chủ quyền đối vối một vùng lãnh thổ mới.”

Trung Quốc phản ứng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo hôm 14/7 rằng đối với bất kỳ nước nào, đổi tên một vùng biển là điều "hoàn toàn vô nghĩa", bởi vì cái tên "Biển Nam Trung Hoa" đã được LHQ và cộng đồng quốc tế “thừa nhận.”

Các giới chức ở Bắc Kinh nói đường ranh giới chín đoạn đã được hình thành từ các hải trình đánh bắt cá qua nhiều thế kỷ, họ trích dẫn các dữ liệu đã có cách nay khoảng 2.000 năm. Nhưng vào tháng 7 năm 2016, tòa án trọng tài quốc tế phán rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý.

Tàu hải quân Indonesia
Tàu hải quân Indonesia

Indonesia đổi tên vùng biển phía Bắc Natuna sau khi Việt Nam và Philippines đổi tên một phần vùng biển nơi đang có tranh chấp với Trung Quốc. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển nhiệt đới có diện ttich1 lên tới 3,5 triệu cây số vuông, giàu tài nguyên hải sản, năng lượng và là tuyến hàng hải quan trọng. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại hơn 90% diện tích vùng biển này.

Tranh luận về tác động

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, đổi tên hiếm khi gây ảnh hưởng.

Ông Hiệp nói: "Từ trước đến nay, nhiều quốc gia trong khu vực gọi vùng biển này với tên gọi khác nhau, nhưng tôi nghĩ điều này không phải là điều quá đặc biệt, không phải là điều sẽ gây ra sự chống đối của các nước châu Á khác."

Tuy nhiên, ông Euan Graham, Giám đốc An ninh của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, thì cho rằng động thái này có giá trị biểu tượng.

Ông Graham nói:

"Tôi nghĩ điều này có ý nghĩa nhiều hơn vậy, đây không chỉ là động thái mang tính hình thức, hay thay đổi nhãn hiệu dựa trên tinh thần dân tộc. Chúng ta đang chứng kiến việc thực thi phán quyết của tòa quốc tế một cách tinh tế, có tính cách phối hợp. Nếu kết hợp lại tất cả các tiểu tiết lại với nhau, thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ nhận được thông điệp, rằng các nước Đông Nam Á sẽ không buông xuôi chào thua theo cách mà Trung Quốc mong đợi và hy vọng."

Những sự cố khiến Indonesia đổi tên biển

Trung Quốc đã gây bất bình cho Indonesia bằng cách cho tàu thuyền qua lại trên các vùng biển mà Jakarta tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Các nước khác phản đối việc Trung Quốc lắp đất tại các đảo nhỏ để xây dựng các cơ sở quân sự có khả năng hỗ trợ cho máy bay chiến đấu và các hệ thống radar của họ.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói:

"Chúng ta có thể xem nỗ lực này của Indonesia cũng là một phần trong phản ứng của khu vực trước sự hung hăng của Trung Quốc hồi gần đây trên Biển Đông, bởi vì đối với một số người, nhất là Trung Quốc, khi gọi là" Biển Nam Trung Hoa, thì mặc nhiên Trung Quốc coi như họ có quyền tại vùng biển này, mà như vậy là sai.”

Năm ngoái, Indonesia tuyên bố tăng cường tuần tra các tàu nước ngoài trong các vùng biển gần 13.000 hòn đảo của Indonesia. Vào tháng 3 năm 2016, Trung Quốc và Indonesia đối đầu nhau khi chính quyền Indonesia tìm cách chặn một chiếc tàu, và một tàu tuần tra Trung Quốc can thiệp. Tháng đó, Indonesia cáo buộc Trung Quốc là đã chính thức gộp các vùng biển gần quần đảo Natuna vào bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc.

Vào tháng 5 năm 2016, hải quân Indonesia chặn bắt một tàu đánh cá Trung Quốc bất chấp Bắc Kinh cho tàu tuần duyên hỗ trợ.

Một tháng sau, hải quân Indonesia nổ súng vào một chiếc tàu Trung Quốc khác, và có thể làm bị thương một thủy thủ, trước khi giữ tàu và tống giam bảy thuyền viên.

Nhưng Indonesia thiếu sức mạnh quân sự để chống lại Trung Quốc trong một cuộc xung đột kéo dài. Ngoài ra, Trung Quốc là nguồn hàng đầu nhận hàng xuất khẩu từ Indonesia và là nước nhập khẩu lớn thứ hai về các mặt hàng của Indonedia như khoáng sản và dầu cọ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã thành công trong việc xoa dịu phần nào những chỉ trích của Jakarta đối với Bắc Kinh trong nhiều năm qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG