Đường dẫn truy cập

Đối phương sử dụng vụ bất ổn ở Baltimore tuyên truyền chống Mỹ


Nhân viên cứu hoả cố gắng dập tắt ngọn lửa sau khi người biểu tình đốt một hiệu dược phẩm, đốt xe cảnh sát và ném gạch vào cảnh sát, 27/4/15
Nhân viên cứu hoả cố gắng dập tắt ngọn lửa sau khi người biểu tình đốt một hiệu dược phẩm, đốt xe cảnh sát và ném gạch vào cảnh sát, 27/4/15

Tình trạng bất ổn xảy ra ở thành phố Baltimore trong tuần này sau khi một công dân Mỹ gốc Phi trẻ qua đời trong khi bị cảnh sát câu lưu đang được các đối phương của Hoa Kỳ trên khắp thế giới sử dụng trong làn sóng tuyên truyền và chỉ trích trên toàn cầu, phần lớn chủ ý gây rối rắm cho nước Mỹ.

Một số chính phủ Tây phương như Hoa Kỳ và những nước khác đang bắt đầu gia tăng các chiến thuật trên mạng truyền thông xã hội, phản công lại các luận điệu chỉ trích và thông tin sai lạc đang loan truyền qua truyền thông xã hội.

Tuy nhiên theo ông David Altheide, nhà nghiên cứu về truyền thông thuộc Đại học Arizona thì những lựa chọn đó có thể giới hạn. Ông là người có công trình nghiên cứu chuyên về tuyên truyền và truyền thông giải thích:

“Sự đáp ứng cần ở mức tối thiểu, và nhấn mạnh vào trọng tâm. Sự thay đổi lớn nhất của truyền thông xã hội là mức lan truyền hết sức rộng rãi của nó. Trên khắp thế giới ngày càng nhiều người sử dụng mạng truyền thông xã hội. Đó là lý do vì sao truyền thông xã hội có khuynh hướng mang lại nhiều hiệu quả. Cách đáp ứng tốt nhất là Hoa Kỳ nên giới hạn, trung thực và tập trung vào vấn đề.”

Nhưng thậm chí trước khi những ngọn lửa ở Baltimore tàn lụn tiếp theo sau vụ náo loạn vào đêm Thứ hai, những người phê bình Hoa Kỳ đã lên mạng, chụp lấy các biến cố vừa diễn ra.

Trên trang Twitt của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ahatollah Ali Khamenei, đăng mẫu tin đầu tiên trong 8 mẫu tin về cái chết của Freddie Gray người Mỹ gốc Phi 25 tuổi sau khi bị cảnh sát bắt: “Quyền lực và chế độ chuyên chế khác biệt. Ở một số nước như Hoa Kỳ chẳng hạn, cảnh sát dường như rất uy quyền. #FreddieGray #RekiaBoyd.” Đó là nội dung của mẫu tin đầu tiên của ông.

Trong các mẫu twitt tiếp theo sau, ông chỉ trích điều mà ông gọi là những cái chết “bất công” của người Mỹ gốc Phi do cảnh sát gây ra, và ca ngợi Hồi giáo như một tôn giáo mà cảnh sát trong tôn giáo đó hành động với lòng nhân từ; trong một mẫu twitt khác ông còn châm chọc Tổng thống Barack Obama rằng thật “lố bịch” là các tội ác nhắm vào người Mỹ gốc Phi diễn ra trong khi bản thân Tổng thống là người da đen.

Các dư luận viên Nga trên các website RT để lại hàng ngàn bình luận thường không đề tên gọi Hoa Kỳ là “đạo đức giả,” “tội phạm,” “chủ nô lệ,” và còn nhiều lời tồi tệ hơn nhiều.

Một bình luận có nội dung như sau: “Hoa Kỳ còn có gan dạy Nga là cảnh sát xử sự ra sao,”.

Uỷ viên nhân quyền của Nga Konstatin Dolvov nói vụ bất ổn cho thấy “chiều sâu và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ.”

Các phần tử chủ chiến có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, nắm lấy các hashtag (#) phổ biến trên mạng, như #BlacklivesMatter, #BaltimoreRiot, #FreddieGray, để kích bác phương Tây đồng thời tuyển mộ chiến binh mới.

Một trong hàng trăm mẫu twitt của một trong hàng trăm tài khoản trên Twitter, có cảm tình với nhóm chủ chiến IS, viết, “Trong Hồi giáo và nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, không có sự khác biệt giữa người da đen và người da trắng.

Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân hoa xã đăng một bài bình luận gay gắt, cùng với nhiều mẫu chuyện, gọi các vụ bạo loan trong tuần này là, “… một bằng chứng khác nữa cho thấy Hoa Kỳ hiện đang chia rẽ sâu sắc, và xã hội Mỹ ngày càng trở nên bất ổn trong khi hệ thống luật pháp không đáp ứng được kỳ vọng của người dân.”

Không có gì mới lạ về chuyện một nhà nước nắm lấy những rủi ro của đối thủ để sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền. Nga đã làm điều đó trong nhiều năm rồi. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì mạng truyền thông xã hội đang thay đổi ván cờ tuyên truyền.

Ông Keir Giles, một chuyên gia trong ban nghiên cứu an ninh quốc tế của viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House ở London nói, “Trong nhiều cách, mục tiêu lật đổ Liên Xô, hay tuyên truyền cổ động, cho đến giữa thập kỷ 1980 và chiến tranh thông tin của Nga ngày nay cũng giống như vậy.”

Ông Giles, người từng làm việc trong chế độ Liên Xô cũ, nghiên cứu việc sử dụng truyền thông xã hội điệp của chính quyền Putin nhằm loan truyền các mục tiêu và các thông điệp.

Mặc dù hoạt động tuyên truyền của chế độ Liên Xô cũ có thể giống phương tiện thông tin tinh vi hơn được chỉ đạo bởi Điện Kremli trong thời đại này, ông Giles nhận định rằng chúng khác nhau ở một khía cạnh quan trọng.

“Thổi phòng tin tức là một mục tiêu quan trọng trong việc sử dụng truyền thông xã hội của Nga,” ông nói. “Các cơ sở dư luận viên - thuê mướn hàng trăm người để đăng bình luận lên các trang truyền thông xã hội, các diễn đàn thảo luận và các trang bình luận cho các trang truyền thông trực tuyến khác - làm như vậy để tạo cảm tưởng rằng thông tin sai lạc của truyền thông nhà nước Nga được sự ủng hộ rộng rãi.

“Các dư luận viên sử dụng các tên nghe như Tây sẽ lập lại những câu chuyện thất thiệt hay nguỵ tạo từ các nguồn của Nga – của cả trang web RT (Russia Today hay Nước Nga Ngày nay) lẫn bất cứ các trang web giả mạo nào – càng loan truyền rộng rãi càng tốt.” ông Giles nói. “Việc này có thể có hiệu quả cao.”

Ông Giles nói rằng công tác tuyên truyền hiện đại của Nga phổ biến qua mạng truyền thông xã hội, nhắm nhiều mục tiêu, trong đó có việc gây hoang mang, khơi xúc cảm, và làm thay đổi công luận trong những vùng địa lý quan trọng. Ông nói:

“Các nguyên tắc căn bản giống nhau: làm suy yếu và gây bất ổn cho đối phương sử dụng bất cứ cơ hội hay quan điểm nào đang thịnh hành và nếu có thể ảnh hưởng vào chính sách và việc hoạch định chính sách. Ngoài những dối trá trắng trợn về Ukraine, còn rất nhiều điều nữa đang diễn ra – đưa ra những tường thuật thất thiệt kém rõ ràng ở tầm mức vô cùng rộng lớn, về các sự kiện diễn ra ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ nhằm mục tiêu chia rẽ và gây suy yếu chính phủ và xã hội của những nước này.”

Nhưng các chiến dịch truyền thông xã hội của các nhóm như nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, thể hiện một mức độ cao về kỹ năng và tinh tế.

Nhà phân tích Giles nói rằng cách hiệu quả nhất để chống lại các làn sóng tuyên truyền bằng phương tiện điện tử mới này chỉ cần đơn giản nói đó là: Tin thất thiệt:

“Khi các nhà lãnh đạo phương Tây và truyền thông quốc gia chỉ đơn giản xác định vấn đề và lên tiếng thẳng thắn về vấn đề đó, việc này đã chứng tỏ là một bước quan trọng đối với việc tham gia vào tư duy phản biện trong xã hội và giúp những người dân thường sử dụng Internet ở những nước đó nhận ra là họ đang bị Nga lừa bịp, và lợi dụng.”

Ông David Altheide nói:

“Không có nhiều tư duy phản biện khi nói đến vấn đề tuyên truyền loan truyền qua truyền thông xã hội. Nó có xu hướng củng cố các nhận thức và định kiến. Vì vậy các mẫu tin củng cố những sự hiểu sai đó có hiệu quả nhất thời, nhưng chủ yếu là đối với những người có khuynh hướng tin vào nó.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG