“Nền hòa bình chỉ dựa trên thiện chí của đối phương chắc chắn không ổn định và đó là hòa bình giả tạo” – đó là điều mà ông Lee Jong-sup, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn vừa nhắc cả chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn.
Năm ngoái, Bắc Hàn đã lập kỷ lục mới về số vụ thử hỏa tiễn để răn đe: Trong 36 ngày, phóng hơn 70 hỏa tiễn và năm nay, Bắc Hàn tiếp tục phóng thêm một hỏa tiễn nữa ngay trong ngày đầu tiên của năm 2023.
Sau khi đệ trình kế hoạch thường niên lên chính phủ và thảo luận với ông Yoon Suk Yeol, Tổng thống Nam Hàn, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn thông báo, ông Yoon đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nam Hàn hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Mỹ và nâng cao mức độ sẵn sàng của quân đội Nam Hàn để ngăn chặn các mối đe dọa từ Bắc Hàn. Ông Lee cho biết: Tổng thống Nam Hàn nhấn mạnh rằng quân đội Nam Hàn phải chuẩn bị để thực hiện quyền tự vệ bất cứ lúc nào khi kẻ thù đe dọa tự do và hòa bình của Hàn Quốc”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn thì năm nay, quân đội Nam Hàn sẽ thực hiện khoảng 20 cuộc tập trận trên quy mô lớn với quân đội Mỹ trong tháng 6. Một số trong số những cuộc tập trận này sẽ dài hơn với quân số lớn hơn trước đây.
Quân đội Nam Hàn và quân đội Mỹ đã lên kế hoạch thực tập đáp trả khi Bắc Hàn sử dụng vũ khí hạt nhân. Khoảng 28.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Nam Hàn đã phối hợp với quân đội Nam Hàn để tiến hành một số cuộc tập trận quy mô lớn vào năm ngoái, bao gồm cả phối hợp thực hiện không tập, không yểm với 240 phi cơ trong năm ngày (Vigilant Storm). Tân Tổng thống Nam Hàn đã quyết định khôi phục phần lớn các cuộc tập trận chung vốn đã bị đình chỉ dưới thời Tổng thống Moon Jae-in.
Trả lời AP, ông Yoon cho biết các hành động khiêu khích của Bắc Hàn đã củng cố quyết tâm của Nam Hàn và gia tăng sẽ phối hợp giữa Nam Hàn với Mỹ vì cả hai bên đều phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn.
***
Cũng tuần này, Tòa án Tối cao của Philippines tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận thăm dò năng lượng mà Philippines đã ký với các công ty Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2005 vì bất hợp pháp.
Theo phán quyết mà Tòa án Tối cao của Philippines mới công bố thì Hiến pháp Philippines buộc chính quyền Philippines phải kiểm soát việc khai thác tài nguyên của Philippines và các doanh nghiệp tham gia khai thác phải do Philippines điều hành.
Trên thực tế, cả chính phủ cũ lẫn chính phủ mới của Philippines đều khước từ những đề nghị hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên tại những khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Philippines và các quốc gia khác ở biển Đông vì phải tôn trọng Hiến pháp Philippines. Thậm chí trước khi lên đường sang thăm Trung Quốc, ông Ferdinand Marcos, Tổng thống đương nhiệm còn nhấn mạnh: Philippines phải tự tìm cách khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (2).
***
Ở châu Á ngoài Nam Hàn, Philippines còn có Đài Loan, Nhật,... dứt dạc, rõ ràng về những vấn đề có liên quan đến chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Tại Mỹ, Hạ viện vốn vẫn chia rẽ do khác biệt về đảng phái vừa đạt được sự đồng thuận hiếm thấy (365/65) trong việc thành lập “Ủy ban Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Mục tiêu của ủy ban này là nghiên cứu để điều chỉnh chính sách, bảo đảm Trung Quốc không thể tiếp tục lạm dụng Mỹ để lấn lướt Mỹ (3).
Sau sự kiện vừa kể, Trung Quốc đột nhiên bày tỏ sự mềm mỏng hiếm có. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì Trung Quốc mong giữa hai bên sẽ có “sự tôn trọng lẫn nhau”: Hy vọng Mỹ sẽ nhìn nhận Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung khách quan và hợp lý, hành động vì lợi ích của chính Mỹ và lợi ích chung với Trung Quốc, thu hẹp bất đồng và thúc đẩy quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình cùng tồn tại và hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia.
Đúng là cục diện thế giới đang... “diễn biến phức tạp” nhưng khi đối diện với sự phức tạp đó rất nhiều quốc gia đã bày tỏ thái độ rất rõ ràng và hành động rất dứt khoát khi quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc bị đe dọa. Đối ngoại như... tre chắc chỉ có... một cây!
Chú thích
Diễn đàn