Đây không phải chuyện thể lệ giao thông. Đây là chuyện thời sự nóng bỏng về một số nhà tư bản loại lớn nhất của nước Pháp hiện nay.
Các nhà tư bản giàu có bậc nhất ở phương Tây thường chia làm 2 loại. Một loại có tài sản chìm và nổi cực lớn, do kinh doanh buôn bán, xuất nhập khẩu, do may mắn, kế thừa trong gia đình họ hàng mà có; họ mua thật nhiều cổ phần để thu lợi từng kỳ, lãi nhập vào vốn, tiêu cả đời không hết. Một loại khác là các nhà quản lý giỏi, có tài kinh doanh, có kinh nghiệm phong phú, giao thiệp rộng, biết đề ra từng lúc hướng làm ăn chuẩn xác, tạo thời cơ và tận dụng được thời cơ, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, do đó họ được hưởng lương cao, tiền thưởng - bonus - cao ngất. Đó là những tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị các tổng công ty cực lớn, có danh tiếng và vị trí quốc tế cao. Lương các viên chức quản lý cao cấp của những tổng công ty tư nhân này thường cao gấp nhiều lần tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng của chính phủ.
Mấy tuần lễ qua, một vụ xì-căng-đan nổ ra, báo chí Pháp gọi là Vụ Henri Poglio, vốn là Tổng giám đốc Tổng công ty Nước (Société Générale des Eaux) từ 20 năm nay, có mạng lưới trải khắp nước Pháp, còn mở rộng sang nhiều nước châu Phi. Sang thế kỷ 21, Tổng công ty này đổi tên là Tổng công ty Veolia, có vốn cực lớn do cổ phần tư nhân hùn hạp, lợi nhuận cũng rất cao.
Từ năm 2004, ông Henri Poglio được chọn và cử vào vị trí Tổng gíam đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty EDF (Điện lực Pháp), thay cho ông Pierre Gadonnex đến tuổi về hưu. Ông H. Poglio là chuyên viên cao cấp về kinh doanh, tốt nghiệp ưu tú từ trường Cao đẳng Thương mại HEC - Hautes Études Commerciales - là trường lớn bậc nhất của nước Pháp, đang có uy tín lớn trong việc quản trị Veolia.
Trong khi Veolia là một công ty tư doanh thì EDF lại là cơ sở quốc doanh, vì Nhà nước có đến 85% vốn trong EDF, do đó từ năm 2004 ông Poglio là viên chức Nhà nước, ăn lương chính phủ, thuộc bộ kinh tế do bà bộ trưởng Lagarde quản lý.
Đầu năm nay, khi một số báo nói về lương và phụ cấp quá cao của một số viên chức công và tư, thì dư luận phẫn nộ khi thấy ông H.Poglio trong năm 2009 đã nhận lương của Nhà nước 1 triệu 6 Euro về chức vụ đứng đầu EDF, lại còn nhận thêm 450 ngàn Euro gọi là phụ cấp chức vụ của Veolia.
Theo luật nước Pháp, viên chức Nhà nước nói chung không được kiêm nhiệm quá 2 chức vụ, nếu có trường hợp đặc biệt kiêm nhiệm bất khả kháng thì cũng chỉ nhận lương và phụ cấp về 1 chức vụ nào cao nhất. Lý do là một viên chức phải dốc hết tài trí, trách nhiệm vào một chức, nếu kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến chức vụ chính. Thoạt đầu, Ban quản trị Veolia biện bạch là luật về thu nhập nói trên chỉ áp dụng cho viên chức Nhà nước trong cơ sở quốc doanh, cho nên ông H. Proglio nhận thêm phụ cấp là do thoả thuận với Veolia, một hãng tư, không có gì là phạm pháp cả.
Một số quan chức và nghị sỹ thuộc đảng UMP của Tổng thống Sarkozy liền phản ứng mạnh, coi đó là ngụy biện vì một viên chức cấp cao của Nhà nước phải trước hết gương mẫu thực hiện luật công chức, "không thể đội 2 mũ" như thế. Thế là ông H. Proglio phải lùi bước, tuyên bố sẽ từ nay không nhận phụ cấp của Veolia nữa, nhưng vẫn tiếp tục là uỷ viên ban quản trị không ăn lương của Véolia.
Dư luận vẫn tỏ ra chưa hài lòng và đòi ông H. Proglio không được kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào khác, theo đúng luật. Họ cho rằng ý định của ông H.Proglio là có tính toán, khôn ngoan, nhằm giữ lại mức phụ cấp rất cao khi về hưu, và khoản tiền lương hưu mà Veolia hứa dành cho ông có thể sẽ lên đến 13 triệu Euro cả gói. Do đó xì-căng-đan Proglia vẫn còn dây dưa, bào mòn uy tín của tổng thống Sarkozy bị chiếu tướng bởi làng báo Pháp do ông tỏ ra quá thân thiết ưu ái với giới tài phiệt tỷ phú.
Nhân dịp này, báo le Monde, le Figaro và Libération... điểm mặt một số ông chủ tư bản "đội nhiều mũ" một lúc, với thu nhập quá xá, bất bình thường. Đó là ông chủ - patron Gilles Pélisson Tổng giám đốc hãng Khách sạn ACCOR có 15 vạn nhân viên, doanh số hơn 7 tỷ Euro một năm, có chân trong quản trị hãng vô tuyến TF1, là uỷ viên MEDEF (tổ chức của giới chủ tư bản - Mouvement des Entreprises de France), lương một năm chừng 1 triệu 7 Euro và phụ cấp thêm 60 ngàn Euro.
Như ông Jean-Bernard Levy, Tổng giám đốc hãng truyền thông Vivendi, có 50 ngàn nhân viên, doanh số 25 tỷ Euro, kiêm quản trị hãng Vinci, quản trị 1 ngân hàng lớn, tham gia quản trị Viện Pasteur, lương 2 triệu 5 Euro /năm và 10 vạn Euro phụ cấp thêm; như ông Didier Lombard Tổng giám đốc hãng Télécom, có 10 vạn nhân viên, doanh số 53 tỷ Euro/năm, Nhà nước góp 15% vốn, tham gia quản trị các hãng Thales và Thomson, thu nhập mỗi năm gộp chung là 1 triệu 6 Euro.
Ở Việt Nam, tháng 11-2009 nổ ra vụ thu nhập các quan chức của SCIC - State Capital Investment Corporation - Tổng công ty đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước. Theo đó 6 quan chức tham gia hội đồng quản trị SCIC đã ăn lương rất cao theo chức bộ trưởng, thứ trưởng các bộ tài chính, kế hoạch đầu tư, công thương rồi, lại còn nhận thêm phụ cấp chức vụ nói trên, lên đến từ 760 triệu đến 880 triệu đồng mỗi năm cho mỗi người, từ năm 2006 đến nay ! Khi sự việc vỡ lở, các quan chức che dấu cho nhau, úp úp mở mở, dấu đầu hở đuôi, tổng thanh tra nhà nước, tổng kiểm toán, uỷ ban kiểm tra đảng...đều như gà mắc tóc không biết ăn nói ra sao trước công luận. Các báo đều bị bịt miệng, được thủ tướng khuyên răn "không được nói điều gì có hại cho đất nước". Nhưng thế nào có hại cho đất nước? Chẳng lẽ lại đánh đồng bọn tham nhũng, tha hồ chia chác công quỹ, cấu véo ngân sách quốc gia bỏ vào túi riêng với quyền lợi đất nước và quốc gia ư?
Hình ảnh quan chức ở Việt Nam đội 2 mũ, cho đến 3, 4, 5 mũ một lúc hẳn là chuyện bình thường, vì ai cũng mong kiêm nhiệm thêm một vài chức vụ khác, vì mỗi kiêm nhiệm, mỗi kỳ họp, mỗi báo cáo, mỗi phát biểu...là một phong bì lịch sự, nặng nhẹ khác nhau, thành thu nhập chính của mỗi người.
Chỉ khổ cho người dân, tha hồ nộp đủ loại thuế và đóng góp, hàng chục khoản thu chi tuỳ tiện để bôi trơn bộ máy cai trị, làm giàu nhanh cho một số người mà chân giá trị không phải là ở tài năng, đức độ, cống hiến, mà là ở quan hệ thân quen, cánh hẩu, bồ bịch, với những mánh mung mua chuộc, hối lộ, đi cửa sau, thầm thì, gửi gắm, mặc cả, có đi có lại, cò mồi, chỉ chỏ, chia chác...thành mô hình sống "bình thường " từ trên cao nhất xuống đến tận cơ sở.
Việt Nam đã tham gia sáng tạo định nghĩa và chứng minh một danh từ mới trong từ điển quốc tế : crony economy, crony communist, crony regime, được dịch là kinh tế thân quen, kinh tế cánh hẩu, kinh tế bồ bịch, cộng sản phe cánh, cộng sản kết nối, cộng sản kết nghĩa, chế độ thân hữu, chế độ nhấm nháy, chế độ cửa sau. Do đó mà cho nhau, tặng nhau thật nhiều mũ. Chả trách tham nhũng càng chống càng lớn lên như thổi !
Một cái đầu, đội đến 2, 3 mũ trông thật ngộ, phải không các bạn. Cứ đội thử rồi soi gương mà xem.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1