Đường dẫn truy cập

Nghĩ về viết lách: Đổi mới và ý thức về sử tính


Nghĩ về viết lách: Đổi mới và ý thức về sử tính
Nghĩ về viết lách: Đổi mới và ý thức về sử tính

Những người chủ trương đổi mới trong văn học nghệ thuật thường đối diện với những phản ứng dữ dội từ nhiều phía với nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do phổ biến nhất là: Họ bị kết tội là có ý đồ phủ nhận quá khứ.

Thật không?

Không. Ðiều những người chủ trương đổi mới phủ nhận không phải là quá khứ mà là những ý đồ kéo dài quá khứ, không phải là các giá trị trong quá khứ mà là tính chất vĩnh cửu của các giá trị ấy. Họ tôn trọng và ngưỡng mộ các thành tựu trong quá khứ - nếu là những thành tựu thực - nhưng không xem những thành tựu ấy là những khuôn vàng thước ngọc muôn thuở mà người đời sau phải răm rắp noi theo.

Họ biết, chẳng hạn, Thơ Mới thời 1932-45 là một trong những đỉnh cao nguy nga nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam; tuy nhiên, họ cũng biết thêm, chẳng hạn, ở vào nửa sau thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21, mà vẫn tiếp tục sáng tác hay thậm chí, cảm thụ trong hệ mỹ học của Thơ Mới thì lại là một sự thất bại.

Họ biết, chẳng hạn, những cây bút hàng đầu trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm hay nhóm Sáng Tạo là những tài năng lớn từng góp phần làm chuyển hướng quá trình vận động của văn học Việt Nam hiện đại; tuy nhiên, họ cũng thừa biết, sau đó, cùng với thời gian, không ai trong những người ấy – cũng như bao nhiêu tài năng kiệt xuất khác trong lịch sử nhân loại - có thể giữ được tính chất tiên phong cho thế hệ kế tiếp được nữa.

Những cây bút ấy lớn, vẫn lớn, nhưng chỉ lớn như một sự kết thúc của một giai đoạn. Và giai đoạn ấy đã qua rồi.

Nói cách khác, điều những người đổi mới muốn chặt đứt không phải là quá khứ mà là truyền thống; điều họ muốn phê phán chủ yếu không phải là những điển phạm mà là các quy phạm, dù trên thực tế không có một điển phạm nào lại không ít nhiều mang màu sắc của một quy phạm, và dù không có sự sụp đổ của một quy phạm nào lại không làm lung lay uy thế của một điển phạm tương ứng.

Tính chất nghịch lý này làm cho công việc đổi mới thường dễ bị nhìn như một sự gây hấn, hơn nữa, phạm thượng: nó đụng đến những gì vốn được mọi người tôn sùng, và vì tôn sùng, tưởng là bất biến.

Cách nhìn này, thật ra, chỉ là một ngộ nhận: những người đổi mới không hề muốn phá đổ các thần tượng; họ chỉ nhấn mạnh vào thời gian tính của các thần tượng ấy mà thôi.

Có thể nói những người hô hào đổi mới là những người ý thức sâu xa về thời gian tính. Sống với khát vọng đổi mới thực chất là sống với ám ảnh bất an về thời gian, với niềm tin là mọi thứ đều có lúc sẽ phôi pha đi. Nghĩ như thế, họ chỉ còn một lựa chọn: đổi mới hay là tự trầm trong sự mục rữa và quên lãng. Trong khi đó, những người thủ cựu thường “may mắn” hơn: họ có cái ảo tưởng là họ có thể đạt tới một cái hay nào đó nằm ngoài hai phạm trù mới và cũ, hoặc nếu họ bị liệt vào phạm trù của cái cũ, họ cũng còn một ảo tưởng khác là cái cũ ấy đồng nghĩa với truyền thống, hơn nữa, nó còn đồng nghĩa với sự vĩnh hằng.

Không chặt đứt quá khứ, những người chủ trương đổi mới chỉ muốn tái tạo quá khứ.

Theo tôi, trung tâm của vấn đề đổi mới nằm ở thái độ của chúng ta đối với quá khứ. Khác với những người bảo thủ vốn tin quá khứ là những gì đã hoàn tất và bất biến; những người đổi mới xem quá khứ như một dự án vừa bất toàn vừa dở dang, không ngừng được tái thiết; và họ, một cách rất tự giác, sẵn sàng tham gia vào công cuộc tái thiết quá khứ ấy để phục vụ cho những dự án họ đang muốn thực hiện trong hiện tại và trong tương lai.

Nhận định này, tôi biết, dễ gợi cảm giác chói tai. Suốt cả hàng ngàn năm, người ta dễ dàng đồng ý với câu nói của kịch tác gia cổ đại Hy Lạp Agathon, được Aristotle nhắc lại: “Ngay cả Thượng đế cũng không thể thay đổi được quá khứ.” Tuy nhiên, gần đây, quan niệm ấy đã bị phản bác. Samuell Butler “cãi” lại cả Agathon lẫn Aristotle: “Ðã đành là Thượng đế không thể thay đổi được quá khứ, nhưng các sử gia thì làm được.”

Họ làm được vì, thật ra, không có cái gọi là quá khứ khách quan và phổ quát cho mọi người. Quá khứ không phải là những gì đã xảy ra. Quá khứ chỉ là những câu chuyện về những gì đã xảy ra. Quá khứ của một thế hệ trải qua chiến tranh là những câu chuyện về cuộc chiến tranh ấy. Xoá bỏ tất cả các câu chuyện ấy: cuộc chiến tranh biến mất; và cùng với nó, một thế hệ biến mất.

Quá khứ, như vậy, chỉ là một hình thức diễn ngôn (discourse), hay cụ thể hơn, một tự sự (narrative).

Và cũng giống như mọi hình thức diễn ngôn khác, quá khứ là những gì được tạo ra hơn là những gì đã có sẵn; là những gì có thể thay đổi tuỳ theo kinh nghiệm và ý thức hệ của từng thành phần xã hội hoặc từng thế hệ khác nhau. Thậm chí quá khứ có thể thay đổi theo ngôn ngữ, trong chừng mực nào đó, là sản phẩm của ngôn ngữ: mỗi thời, khi ngôn ngữ thay đổi, người ta nhìn về quá khứ, thấy một diện mạo khác hẳn. Ví dụ, sự xuất hiện của những khái niệm như “tự do”, “dân chủ” hay “nhân quyền” không những làm thay đổi bộ mặt xã hội đương đại mà còn làm thay đổi cả sự tưởng tượng của con người về quá khứ: dưới ánh sáng của những khái niệm mới ấy, quá khứ trở thành tăm tối hơn, đầy những áp bức và những bất công, thậm chí mọi rợ nữa.

Không phải ngẫu nhiên mà những người có những chủ trương văn học khác nhau không những chỉ khác nhau trong những nỗ lực sáng tác ở hiện tại mà còn khác nhau ngay cả trong cái quá khứ mà họ muốn nhìn lại.

Một người cổ vũ cho dòng văn học hiện thực và đấu tranh chính trị sẽ thấy, chẳng hạn, trong nền văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nổi bật lên vai trò chủ đạo của dòng văn học chống Pháp, từ Nguyễn Ðình Chiểu đến Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Ðức Kế, v.v...

Một người cổ vũ cho xu hướng lãng mạn, ngược lại, nhìn lại nền văn học cùng một thời kỳ, dễ thấy toàn những tiếng thở dài của những kẻ tương tư, từ Nguyễn Công Trứ đến Dương Khuê, Tản Ðà, Hoàng Ngọc Phách, Ðoàn Như Khuê, Tương Phố, Ðông Hồ, v.v...

Công việc tái tạo quá khứ này, một mặt, xuất phát từ sự đồng cảm tự nhiên giữa những người đồng điệu; mặt khác, xuất phát từ nhu cầu viết lại lịch sử, hay gần gũi hơn, một thứ tộc phả văn học, ở đó, người ta có thể xác định được vị trí của mình và những thay đổi mà mình có thể mang lại.

Bởi vậy, một phong trào đổi mới văn học không phải chỉ thể hiện ở những sáng tác mới mà còn, với những mức độ nhiều ít khác nhau, kéo theo những lý thuyết mới, những cách thức Phê Bình Mới và những nỗ lực viết văn học sử mới.

Xem việc tái tạo quá khứ như một phần, hơn nữa, phần quan trọng của nỗ lực đổi mới cũng có nghĩa là xem việc thừa kế hay học tập là một phần quan trọng của sự sáng tạo.

Nói cách khác, người ta chỉ có thể đổi mới được cách nhìn về văn học cũng như thay đổi các thủ pháp sáng tạo khi, và chỉ khi, người ta đã làm chủ được truyền thống. Không ai có thể vượt qua cái điểm hay cái giới hạn mà mình chưa đến. Đằng sau mỗi sự sáng tạo lớn, do đó, bao giờ cũng là một bề dày lịch sử và văn hoá nhất định. Đây chính là điểm phân biệt người đổi mới thực sự với những kẻ liều lĩnh và phá bĩnh. Sự khác biệt ở đây cũng giống sự khác biệt giữa những nhà phiêu lưu và những tên bụi đời: Các nhà phiêu lưu làm nới rộng diện tích của văn học trong khi các tên bụi đời chỉ làm cho văn học hoen ố đi mà thôi.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG