Đường dẫn truy cập

Doanh nhân xã hội Sandy Đặng và giấc mơ mang tự do cho người tị nạn


Bà Sandy Đặng trả lời phỏng vấn VOA hôm 27/5/2021.
Bà Sandy Đặng trả lời phỏng vấn VOA hôm 27/5/2021.

Sandy Đặng, một doanh nhân xã hội gốc Việt vừa được Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) vinh danh, nói với VOA rằng bà hiểu được hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn Việt Nam mới sang Mỹ và đã dốc sức cùng cộng đồng giúp các trẻ em Việt bỏ học được đến trường và vào đại học. Bà chia sẻ về một giấc mơ Mỹ mang đến tự do cho người tị nạn, và đánh giá cao tầm quan trọng của nền giáo dục kỹ thuật số.

Bà Sandy Đặng, người Hà Nội gốc Hoa, vào năm 1979 cùng gia đình vượt biên đến Hong Kong và ba năm sau đó đến Mỹ định cư khi bà lên 13 tuổi.

Trong hơn mười năm ròng, sau khi tốt nghiệp cao học tại trường Kennedy của Đại học Havard vào năm 1995, bà Sandy đảm nhiệm vai trò người sáng lập và điều hành của tổ chức Asian American Leadership, Empowerment, and Development (AALEAD - tạm dịch là tổ chức thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo, tố chất mạnh mẽ, và thúc đẩy phát triển cho người Mỹ gốc Châu Á). AALEAD hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn gốc Việt thông qua các dịch vụ giáo dục và xã hội.

Năm 2001, bà Sandy Hòa Đặng được trao tặng danh hiệu “Công dân xuất sắc của Washington D.C”. Bà là thành viên Ban Cố vấn Cộng đồng của Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn John F. Kennedy và Chương trình Truyền hình WETA.

Từ năm 2011 đến 2018, bà Sandy được tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào hội đồng quản trị và giữ chức danh Giám đốc điều hành của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). VEF là một tổ chức độc lập dưới quyền chính phủ Hoa Kỳ với nhiệm vụ đẩy mạnh mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua giáo dục.

Hiện tại, bà Sandy Đặng là đồng sáng lập và hiệu trưởng của tổ chức CoInnovate Consulting – một công ty tư vấn cung cấp các khóa học đào tạo kỹ năng lãnh đạo, xây dựng tiềm năng, và kế hoạch chiến lược cho các công ty, các quỹ, và tổ chức phi lợi nhuận.

Bà Sandy Đặng dành cho VOA một cuộc phỏng vấn sau đây, nhân dịp bà được USCIS vinh danh giải Công dân Mỹ Vượt trội:

VOA: Xin chào bà Sandy Đặng, điều gì đã khiến bà dành hơn một thập kỷ để giúp đỡ trẻ em gốc Việt gặp khó khăn khi họ vừa đến Mỹ?

Sandy Đặng: Năm 1995, khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành xã hội học, Sandy biết được ở khu vực Washington DC có 6.000 người tị nạn từ Việt Nam mới sang mà lúc đó Washington DC có rất nhiều khó khăn mà những người mới sang thì rất bỡ ngỡ. Các trẻ em đi học mà các thầy cô lại không biết tiếng Việt nên khó giúp đỡ cho các em, còn phụ huynh cũng không biết làm gì để giúp các em. Sandy thấy trong cộng đồng vùng tây bắc DC lúc đó có nhiều em bỏ học, xuất hiện băng đảng và một số em bị bắt vào tù... nên Sandy muốn xây dựng một chương trình để giúp đỡ cho các em này.”

VOA: Công việc thiện nguyện của nhóm lúc đó là gì, thưa bà?

Sandy Đặng: “Lúc sang Mỹ, Sandy chỉ có 13 tuổi và không biết tiếng Anh. Sandy hiểu được những khó khăn của các phụ huynh, những người mong muốn con cái mình có được tương lai tốt đẹp, là cần phải có sự giáo dục và đi học lên đại học, do đó Sandy đã mở chương trình AALEAD cùng với rất nhiều người tình nguyện để giúp cho các em nhỏ học tiếng Anh, tốt nghiệp trung học phổ thông để lên học đại học.”

VOA: Là một phụ nữ gốc Á, bà có gặp khó khăn gì trong công việc của mình? Và làm thế nào để vượt qua?

Doanh nhân xã hội Sandy Đặng.
Doanh nhân xã hội Sandy Đặng.

Sandy Đặng: Là một người gốc Á mình phải nỗ lực rất nhiều tại Mỹ, phải cố gắng rất nhiều, phải kiên nhẫn và biết cách làm việc có hiệu quả. Mình có nhiều trải nghiệm và cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kiên nhẫn và kiên trì, nhất là đối với phụ nữ. Người Việt mình có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim,” và mình tự hào là người gốc Việt.

VOA: Xin bà chia sẻ đôi chút về giấc mơ Mỹ của mình và bà đã thực hiện giấc mơ đó như thế nào?

Sandy Đặng: Ban đầu giấc mơ Mỹ của Sandy là sinh sống được ở Mỹ, có tự do và có cơ hội. Đó là cơ hội đi học, học lên đại học, mà cũng không cần phải giàu có gì mới đi học đại học được. Sau đó, giấc mơ Mỹ là để phát triển kỹ năng của mình, sống một cuộc sống có ý nghĩa, có tầm ảnh hưởng và giúp ích cho cộng đồng.

VOA: Với nhiều năm là Giám đốc điều hành của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) và hiện vẫn đang cộng tác với một số tổ chức ở Việt Nam, bà nghĩ gì về tầm ảnh hưởng của việc trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?

Sandy Đặng: Hiện nay Sandy nhận thấy có rất nhiều sinh viên Việt Nam giỏi sang Mỹ học về khoa học và công nghệ. Sandy nghĩ nền giáo dục Mỹ có có tầm ảnh hưởng đến Việt Nam và Việt Nam cũng nên có nhiều thay đổi để tận dụng tối đa tiềm năng này, nhất là trong thời đại kỷ thuật số.

VOA: Xin chân thành cảm ơn bà và kính chúc bà tiếp tục gặt hái nhiều thành công và đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG