Giá năng lượng tăng chóng mặt, lạm phát phi mã, đồng bảng giảm mạnh cùng với những loạng choạng về chính sách kinh tế của chính phủ đã đẩy nước Anh đến bờ vực khủng hoảng kinh tế-tài chính, khiến người dân và doanh nghiệp nước này gặp nhiều khó khăn.
Đồng bảng Anh có lúc đã giảm xuống gần bằng giá trị đồng đô la Mỹ hồi cuối tháng 9 còn lạm phát ở Anh hiện dao động quanh mức 10%. Trong khi đó, chính sách giảm thuế cho người giàu của tân chính phủ Liz Truss đã khiến thị trường tài chính Anh rơi vào hỗn loạn trước khi được Thủ tướng Truss rút lại hôm 3/10.
‘Lạm phát nghiêm trọng’
Trao đổi với VOA, ông Thái Trần, hiện sống tại quận Greenwich đông nam London và làm công việc xuất nhập khẩu hàng giữa Anh và Việt Nam, đã mô tả tình hình khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc kinh doanh doanh của ông.
“Nước Anh chưa bao giờ bị lạm phát cao như thế này và chính phủ Anh chưa bao giờ đối mặt với những bài toán hóc búa như thế này, vừa lạm phát cao, thị trường nước ngoài yếu, rồi COVID, chiến tranh Nga-Ukraine, rất nhiều thứ”, ông Thái than thở.
Về lạm phát, ông Thái cho biết trong những thập kỷ qua chính phủ luôn cố gắng kiềm giữ lạm phát ở mức 2%, nhưng hiện giờ lạm phát ở Anh lên đến hơn 10%, ‘cao nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến’.
“Lạm phát nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân và doanh nghiệp”, ông Thái nói và cho biết từ đồ ăn thức uống cho đến chi phí đi lại, điện nước hàng ngày ‘tất cả đều tăng’.
“Tăng khủng khiếp nhất là gas và điện. Vào mùa đông thời tiết rất lạnh nếu không có gas và điện để sưởi ấm thì không thể sống nổi vậy mà chi phí gas và điện tăng gấp đôi”, ông nói và chỉ ra hóa đơn năng lượng nhà ông đã tăng từ 1.200 bảng một năm hồi năm ngoái lên 2.500 bảng vào năm nay.
Đó là đã được nhà nước trợ giá, vẫn theo lời chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu này, nếu không nó ‘đã tăng gấp ba, gấp bốn lần’.
Riêng chi phí sinh hoạt trong gia đình, ông Thái áng chừng đã ‘tăng tối thiểu 20%’. Riêng chi phí ăn uống tăng cao vì hầu hết thực phẩm ở Anh đều phải nhập khẩu, ông cho biết.
“Ví dụ một suất McDonald’s trước đây chỉ khoảng 5 bảng là đã rất thoải mái, nhưng hiện giờ vào khoảng 7 bảng”, ông dẫn chứng.
“Nhà tôi may mắn là có thể chống chọi được, nhưng nhiều gia đình đặc biệt là nhóm thu nhập thấp sống dựa vào trợ cấp nhà nước thì rất khó khăn”, ông nói thêm và cho biết đã có nhiều cuộc xuống đường để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao.
Giải thích cho lạm phát tăng vọt, ông Thái chỉ ra việc đồng bảng mất giá và giá năng lượng tăng trên thị trường quốc tế.
“Nước Anh sống bằng dịch vụ nên từ khí đốt cho đến hàng tiêu dùng thông thường tất cả đều phải nhập khẩu. Khi đồng bảng sụt giá khiến cho chi phí nhập hàng cao hơn, khiến giá cả tăng lên”, ông lý giải.
Đồng bảng Anh hòa cùng nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá trước đồng đô la Mỹ sau những động thái tăng lãi suất liên tục của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ khiến đồng đô la mạnh lên.
Kinh doanh khó khăn
Bên cạnh đó, bản thân chi phí nguyên vật liệu hay giá dầu mỏ, khí đốt trên thị trường thế giới cũng đã tăng từ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine nổ ra, ông chỉ ra.
“Đối với mảng xuất nhập khẩu bị sụt giảm khá là mạnh do kinh tế bên này khó khăn hơn, người ta thắt chặt chi tiêu nhiều hơn, mình mà chào giá cao thì họ sẽ không mua hay chỉ mua với số lượng ít hơn”, ông nói về tình hình kinh doanh của công ty ông.
Ông đưa ra ví dụ về ngành nail của người Việt với các nguyên vật liệu từ bàn, ghế, bột… tất cả đều phải nhập khẩu. “Trước đây bỏ tầm 100 ngàn bảng để nhập một lô hàng, nhưng bây giờ cũng lô hàng đấy phải bỏ ra từ 120 đến 150 ngàn bảng, nhưng mình phân phối lại cho các tiệm nail thì cũng không thể tăng giá quá nhiều được”, ông Thái giải thích.
Ngoài ra, đồng bảng suy yếu cũng khiến người dân Anh khi đi nước ngoài phải bỏ chi phí ra nhiều hơn, gây thâm hụt cho túi tiền của họ, cũng theo lời doanh nhân này.
Tuy nhiên, ông nói khi cuộc chiến xảy ra ở Ukraine, ông đã dự đoán tình hình sẽ khó khăn nên đã kịp thời ‘đa dạng hóa việc kinh doanh’ bằng cách làm thêm mảng đầu tư bất động sản với những khách hàng đến từ Trung Quốc và Việt Nam.
“Thị trường bất động sản London là kênh trú ẩn tài sản rất an toàn nên thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới”, ông nói và cho biết đồng bảng sụt giá khiến cho bất động sản Anh trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Đây là thời cơ để họ mua được bất động sản rẻ ở Anh. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng liên tiếp ra những gói kích cầu bất động sản”, ông nói thêm. Nhờ mảng bất động sản phất lên này mà ông có thể cầm cự được trong thời điểm khó khăn hiện nay.
‘Đừng tăng lãi suất’
Ông bày tỏ băn khoăn trước việc ngân hàng trung ương Anh theo chân Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và cho rằng điều này sẽ ‘rất có tác hại đối với nền kinh tế Anh’.
“Nếu lãi suất tăng thì các khoản vay của người dân sẽ tăng lên nhiều, nhiều người sẽ không chi trả nổi, phải thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng”, ông dự báo. “Doanh nghiệp sẽ phá sản, nhà nước mất tiền thuế. Thị trường bất động sản cũng trầm lắng khi ít người mua hơn”.
Mặc dù duy trì lãi suất ổn định sẽ góp phần đẩy lạm phát gia tăng nhưng ông Thái nói trong tình hình hiện nay ‘đó là giải pháp đỡ tệ nhất’.
Về kế hoạch giảm thuế từ 45 xuống 40% cho nhóm những người có thu nhập cao của tân Thủ tướng Liz Truss mà sau đó bị bà bãi bỏ do gặp sự phản đối quyết liệt, ông Thái nói ‘đây là sai lầm không đáng có’ của tân chính phủ vốn gây ra ‘hiệu ứng tâm lý không tốt cho người dân’.
“Tại thời điểm tất cả mọi người đang rất khó khăn, mà bà ấy đưa ra chính sách chỉ hỗ trợ cho những người giàu”, ông chỉ trích và cho rằng đến 80-90% người dân Anh có thu nhập dưới 100 ngàn bảng mỗi năm ‘mới là những người cần được hỗ trợ’.
“Chính phủ nên cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải người siêu giàu để họ có thể chống chịu được qua giai đoạn này”, ông đề xuất.
Về triển vọng của kinh tế Anh, ông Thái nói ông ‘không lạc quan lắm’ vì nhiều yếu tố: tác động của Brexit khiến nước Anh gặp khó khăn trong việc giao thương với EU vốn là thị trường xuất nhập khẩu rất lớn của Anh, sự bất ổn của thị trường toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine còn kéo dài và ‘sự bối rối trong chính sách kinh tế của chính phủ Anh’.
Nếu tình hình cứ tiếp tục ảm đạm thì, theo lời ông, chính phủ Anh đến lúc nào đó cũng sẽ không thể trợ giá năng lượng cho người dân nữa (mục tiêu hiện nay là trợ giá cho đến hết năm nay) vì trong đại dịch COVID chính phủ đã đổ ra rất nhiều tiền để cứu trợ cho người dân và doanh nghiệp. “Tình hình tài chính của Anh hiện nay rất tệ vì họ đã vay mượn quá nhiều”, ông đưa ra quan sát của cá nhân ông.
Diễn đàn