Đường dẫn truy cập

200 ngàn, pháp luật Việt Nam bị bêu rếu


Hình minh họa.
Hình minh họa.

“8 đô la cho một cái hôn cưỡng bức trong thang máy” là đề tài gây chú ý trên nhiều tờ báo nước ngoài như AFP, France 24 (Pháp), Daily Mail (Anh), Asia Times (Hong Kong), New Sarawak Tribune (Malaysia), Dispatch (Hàn Quốc) hay trang tin videostreet.pk, neonenetwork.pk (Pakistan)… Tất cả các bài viết trên các trang nói trên cùng chung một sự ngạc nhiên: 8 đô la là mức phạt quá… nhẹ cho một vụ tấn công tình dục (Sexual assault) tại Việt Nam.

Bên cạnh sự ngạc nhiên là những câu chuyện thực tế khác khiến Việt Nam trở nên “khác thường” trong mắt người nước ngoài. Có thật là pháp luật Việt Nam luôn “nhẹ nhàng” như thế hay không trong khi các tội danh khác bị phạt rất nặng nếu không muốn nói là hà khắc bậc nhất Đông Nam Á.

Chỉ vài bài viết về sán lợn và dịch lợn Châu Phi mà bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa bị phạt tới 20 triệu đồng, trong khi cái hôn cưỡng bức của Đỗ Mạnh Hùng, một quan chức chính phủ đối với một cô gái trong thang máy thì được công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) quyết định xử phạt hành chính 200 ngàn tạo cho người dân một làn sóng phẫn nộ. Nó giống như gáo nước lạnh tát vào mặt, ngay cả người không quan tâm đến chuyện xảy ra quanh mình cũng cảm thấy bất nhẫn về hành vi đê tiện của Đỗ Mạnh Hùng, người chẳng những không thấy hành động của y là phạm tội mà còn tỏ ra bất chấp dư luận xã hội khi khước từ câu nói xin lỗi đối với nạn nhân.

Thật ra công an quận Thanh Xuân Hà Nội không có lỗi trong việc phạt hành chánh 200 ngàn, mà cái lỗi cần phải nhanh chóng sửa đổi là Bộ luật hình sự Việt Nam không quy định rõ tội danh “Tấn công tình dục” để tòa án có thể dựa vào đó mà tuyên phạt kẻ phạm tội.

Ngay cả nước Mỹ là nơi được cho là có bản hiến pháp hoàn chỉnh nhất thế giới nhưng mãi tới năm 1964 thì tội danh “Quấy nhiễu tình dục” mới ra đời. Tuy ra đời muộn nhưng lại là nước đầu tiên mang tội danh này để xử phạt, mà hình phạt của nó đối với bị can thật nặng nề, không khác gì người mang tội hiếp dâm, hay tấn công tình dục là những trọng tội trong luật pháp Mỹ.

Theo định nghĩa thì “quấy rối tình dục” là các hình vi như dùng lời nói, hành động biểu tỏ hình thái tình dục, yêu cầu hay gạ gẫm quan hệ tình dục trái ý muốn của người khác, dùng cử chỉ, lời nói, hình ảnh hay phương tiện thông tin gợi ý về tình dục đối với người khác, đưa hình ảnh người khác tới nơi công cộng nhằm khoe khoang sự quan hệ của mình với người đó mà không được sự đồng ý của đương sự.

Người bị xử phạt về tội này không những phải chịu hình phạt tù giam mà sau khi ra tù những hệ lụy của nó theo đuổi người gây án gần như suốt cuộc đời còn lại. Phải trình diện cơ quan quản lý về di trú, làm việc và đi lại. Khó xin việc làm, bị tước một số quyền công dân căn bản như bỏ phiếu, sở hữu vũ khí, mở công ty. Thậm chí, họ còn bị tước quyền chăm sóc con cái, hay bị cấm tiếp xúc với người thân, trẻ em. Án tích tội phạm tình dục khó hoặc không được tòa án hủy bỏ.

Quay lại với báo chí quốc tế, nếu họ biết rằng cụm từ “quấy rối tình dục” không được thể hiện trong Bộ luật hình sự của Việt Nam mà chỉ có Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh - trật tự tại điều 53 có quy định hành vi “kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng” có thể nhận mức xử phạt năm trăm ngàn đến một triệu đồng, thì chắc sự ngạc nhiên của họ càng tăng cao hơn trong các bài báo mà họ tường thuật.

Năm 2015, được sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Bộ lao động TBXH đã phối hợp với Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó định nghĩa “quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới, nam giới. Đây là hành vi không được chấp thuận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo môi trường bất ổn, đáng sợ và thù địch”. Vì là quy tắc ứng xử trong phạm vi người lao động nên không có tư cách pháp lý và vì vậy không có việc chế tài cho người vi phạm.

Trong nhiều lần được đề nghị, đại biểu Quốc hội nhiều khóa đã chần chừ, nếu không muốn nói là lơ là với việc xây dựng điều khoản mới về tội quấy rối tình dục trong những lần đổi mới, bổ xung Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng khó nhất trí với các cụm từ quy chuẩn về hành động nào mới chứng tỏ là phạm tội và hành động nào là vô tình hay khó kết tội một người. Những chần chừ này cho thấy tư duy về luật pháp của nhiều đại biểu Quốc hội còn cổ xưa như sống trong thời phong kiến. Họ không dám tiếp cận với những định nghĩa của luật pháp nước ngoài về tội danh này và càng không dám tự mình nghĩ ra điều gì làm cho một người có thể bị buộc tội “quấy rối tình dục”.

Tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thiếu tư duy và kiến thức luật pháp của nhiều đại biểu Quốc hội đã đẻ ra vụ án 200 ngàn hôm nay. Vụ án mà truyền thông quốc tế đang bêu rếu Việt Nam qua câu chữ không làm cho ai trong số những người trách nhiệm cảm thấy xấu hổ, chỉ có dân chúng, những người đồng cảnh với cô gái trong thang máy là cảm thấy ê chề.

Mà ê chề và nhục nhã là hai trong một.

  • 16x9 Image

    Mặc Lâm

    Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG