Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ tổ chức buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào sáng thứ tư tuần này (9/7) tại trụ sở Quốc hội.
Chủ Tịch Ủy ban, người triệu tập buổi điều trần, nói quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do hội họp là các quyền quý giá trên toàn cầu nhưng tiếc thay nhiều nước ở Đông Nam Á khước từ các quyền này của công dân và đàn áp mạnh tay những ai thể hiện bất mãn với chính quyền dù bằng bất kỳ hình thức nào.
Một trong những dẫn dụ được dân biểu Ed Royce đưa ra là tại Việt Nam, những người lên tiếng phản đối chính phủ độc đảng do cộng sản cầm quyền thường bị tù đày hay đánh đập.
Tác giả Dự luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam cho biết mục đích của buổi điều trần nhằm xem xét các vi phạm nhân quyền hết sức phổ biến tại khu vực và tìm kiếm các phương thức Hoa Kỳ có thể làm tốt hơn giúp mang lại sự thay đổi tích cực.
Các nhân chứng tham gia điều trần gồm cựu Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Động Lorne Craner; cựu dân biểu Hoa Kỳ Tom Andrew; Ủy Viên Quận Cam Janet Nguyễn; và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS.
Buổi điều trần diễn ra trong bối cảnh các kế hoạch vận động nhân quyền cho Việt Nam đang ráo riết được các hội đoàn của người Việt ở Mỹ thực hiện.
Mới hôm qua, đông đảo người Việt từ khắp nơi tề tựu về thủ đô Washington tham dự ngày vận động “Hát Cho Biển Đông & Quyền Con Người" với một buổi ca nhạc ngoài trời, các cuộc biểu tình trước cả tòa đại sứ Việt Nam lẫn Trung Quốc, và tuần hành qua Tòa Bạch Ốc để kêu gọi bảo vệ nhân quyền-chủ quyền Việt Nam trước hiểm họa xâm lược của Trung Quốc.
Một chiến dịch vận động khác cùng kêu gọi cho nhân quyền-chủ quyền Việt Nam sẽ khai diễn vào ngày 16/7 với một cuộc họp khoáng đại tại Quốc Hội Mỹ, các cuộc biểu tình ngay trước Quốc Hội, và các buổi tiếp xúc làm việc giữa cộng đồng người Việt với giới lập pháp-hành pháp Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thành viên ban tổ chức, cho biết mục tiêu cuộc vận động là kêu gọi Washington khẳng định thái độ đối với hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Hà Nội chấp nhận dân chủ hóa như điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ mậu dịch và an ninh với Hoa Kỳ.
Về sự kết hợp vận động giữa hai vấn đề nhân quyền và chủ quyền, Tiến sĩ Thắng giải thích:
“Chỉ khi nào người dân thật sự có dân chủ, nắm vận mạng đất nước trong tay thì họ mới sẵn sàng hy sinh và được sự yểm trợ của thế giới tự do. Trước nay c hưa bao giờ chính phủ Hoa Kỳ lại có chính sách liên minh với một quốc gia độc tài cộng sản. Do đó, đây là điều kiện tiên quyết để có được sự yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ và thế giới tự do. Lý do thứ hai, chỉ khi nào người dân thật sự làm chủ đất nước thì mới có được những biện pháp dứt khoát đối với Trung Quốc, chẳng hạn như kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hay mạnh hơn là đóng cửa tòa đại sứ, triệu hồi nhân viên sứ quán Việt Nam hoặc trục suất nhân viên sứ quán Trung Quốc để thể hiện sự bất bình với hành động bành trướng ngang nhiên của Trung Quốc. Hiện nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Quốc nên chưa dám làm những điều cần thiết mà một chính quyền phải thực hiện khi đất nước của mình đang bị xâm lấn.”
Tiến sĩ Thắng cho biết hiện có 1 nghị quyết ở Thượng viện và 2 dự thảo luật ở Hạ viện về vấn đề Biển Đông cùng 2 dự thảo luật về nhân quyền Việt Nam ở cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, và thúc đẩy thông qua các văn kiện này nằm trong số các mục tiêu của những nỗ lực vận động hiện nay.