Đường dẫn truy cập

Điều tra tình báo Mỹ về nguồn gốc COVID sẽ không có đáp án dứt khoát


Ông Bruce Aylward thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự cuộc họp báo do phái đoàn chung của WHO-Trung Quốc điều tra về virus corona bùng phát, tổ chức ngày 24/2/2020 tại Bắc Kinh.
Ông Bruce Aylward thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự cuộc họp báo do phái đoàn chung của WHO-Trung Quốc điều tra về virus corona bùng phát, tổ chức ngày 24/2/2020 tại Bắc Kinh.

Tổng thống Joe Biden sắp được nghe báo cáo điều tra tình báo về nguồn gốc COVID nhưng báo cáo này có phần chắc sẽ gây thất vọng trong việc đưa ra đáp án rõ ràng về nguồn gốc của đại dịch chết người xuất phát từ Trung Quốc.

Tháng 5 vừa qua ông Biden ra lệnh giải quyết những tranh cãi giữa các cơ quan tình báo, điều nghiên các giả thuyết về nguồn gốc virus corona kể cả giả thuyết từng bị bác bỏ là virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc và giả thuyết rằng virus xuất xứ tự nhiên nơi các động vật như dơi hay chim.

Cuộc điều tra tình báo kéo dài 90 ngày theo lệnh của Tổng thống hết hạn hôm 24/8, theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki. Phải mất vài ngày nữa thì các phần phúc trình được giải mật mới được công bố công khai.

Ba quan chức chính phủ và một người biết rõ về cuộc điều tra cho hay họ dự kiến cuộc điều tra sẽ không đưa ra kết luận chắc chắn sau khi Trung Quốc đã cản trở những nỗ lực quốc tế muốn thu thập thông tin quan trọng trên thực địa.

Một quan chức cho rằng báo cáo điều tra lần này sẽ chỉ ra các đường hướng điều tra thêm nữa, kể cả những yêu cầu đối với Trung Quốc mà chắc chắn sẽ gây nên căng thẳng với Bắc Kinh giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung xuống thấp nhất trong nhiều thập niên.

"Căn bản là không thể nào có được một cuộc điều tra thoả đáng nếu một trong các bên chính không muốn hợp tác,” ông Thomas Wright thuộc Viện Brookings và là đồng tác giả của ‘Aftershocks,’ một cuốn sách về đại dịch, nóio. “Chúng ta cần xúc tiến như là cả hai giả thuyết đều đúng.”

Phúc trình được đưa ra trong lúc các cơ quan tình báo Mỹ bị áp lực từ bên trong chính quyền và Quốc hội về các vấn đề liên hệ đến việc xử lý Afghanistan sau khi Kabul rơi vào tay Taliban nhanh hơn dự đoán của nhiều cơ quan tình báo, quốc phòng và phân tích ngoại giao của Mỹ.

COVID-19 đã giết chết hơn 4,6 triệu người trên toàn thế giới, theo Reuters, nhưng nguồn gốc chính xác của virus vẫn còn trong vòng bí mật.

Đầu tiên được biết xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc vào tháng 12/2019 và các cơ quan Mỹ bắt đầu điều nghiên nguồn gốc của virus không lâu sau đó.

Các cơ quan tình báo Mỹ lúc đầu mạnh mẽ nghiêng về cách giải thích là virus bắt nguồn từ thiên nhiên.

Một toán chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo đã trải qua 4 tuần trong và chung quanh Vũ Hán vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay cho rằng virus có thể lây từ dơi sang người qua một động vật khác.

Tuy nhiên báo cáo công bố hồi tháng Ba của nhóm này, cùng viết với các khoa học gia Trung Quốc, rằng giả thuyết phòng thí nghiệm “khó có thể xảy ra” không làm Washington hài lòng.

Những người quen thuộc với báo cáo tình báo nói rằng mấy tháng gần đây ít có sự ủng hộ cho giả thuyết là virus lây lan rộng rãi và tự nhiên trong các động vật hoang dã.

Trong khi đó, Trung Quốc không cho phép các nhà nghiên cứu Mỹ tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng như các viên chức ở đó mà Mỹ tin là cần thiết để xác định nguồn gốc của virus.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, từng tuyên bố nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu không loại bỏ bất cứ giả thuyết nào. Tổ chức Y tế Thế giới dự trù thành lập một toán mới để nghiên cứu thêm về nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19.

Về phần mình, Trung Quốc giễu cợt lý thuyết rằng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của nhà nước chuyên nghiên cứu về virus học ở Vũ Hán. Bắc Kinh thúc đẩy những giả thuyết bên lề rằng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại Fort Detrick, tiểu bang Maryland của Mỹ, vào năm 2019. Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về tin này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG