Đường dẫn truy cập

Điểm qua các đề tài sẽ được bàn tại hội nghị G8


Các bộ trưởng ngoại giao gặp tại hội nghị G8 ở London 11/4/2013.
Các bộ trưởng ngoại giao gặp tại hội nghị G8 ở London 11/4/2013.
Nước Anh sẽ là quốc gia chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới, diễn ra vào hai ngày 17 và 18 tại Bắc Ireland. Một chuyên viên thử bàn xem những đề tài nào sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị này.

Ông John Kirton, chuyên viên nghiên cứu về hội nghị G8 nói rằng lãnh đạo G8 từ nhiều tháng qua đã biết các đề tài hàng đầu:

“Thủ tướng Cameron đã nói hồi tháng 11 năm ngoái rằng ông muốn hội nghị tập trung vào thương mại, thuế và tính minh bạch, gồm 3 chữ T trong tiếng Anh. Sau ngày đó lại nảy ra thêm một chữ T khác, terrorism, khủng bố, cộng thêm một chữ S, là Syria.”

Chuyên viên Kirton nghĩ rằng các nhà tổ chức hội nghị muốn nó mang lại một “thành công đáng kể.”

“Đã có nhiều thành tựu đáng kể của các quốc gia đến dự hội nghị, xem đó là một đóng góp làm quà cho những chủ đề mà nước Anh đã hô hào.”

Lấy ví dụ như tại hội nghị về vấn đề suy dinh dưỡng tổ chức tại London hồi đầu tháng này, các chính phủ và các doanh nghiệp đã hứa đóng góp thêm bốn tỉ đôla cho 7 năm tới, giúp các khoản chi cho suy dinh dưỡng bây giờ tăng gấp đôi.

“Do đó hội nghị chống suy dinh dưỡng đã làm điều rất tốt cho các quốc gia nghèo nhất và các người nghèo nhất. Dù vậy, vẫn còn nhiều việc cần làm mới có thể đạt được các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015. Năm đó cũng sắp đến, và nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt.”

Chuyên viên Kirton nói cũng có tiến bộ về mặt thương mại. Sau bốn năm đàm phán, hiệp định tự do thương mại giữa Liên hiệp châu Âu và Canada đang ở giai đoạn cuối:

“Như vậy là hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ khai mạc bằng một khởi đầu tốt. Đàm phán giữa EU và Canada cho mọi người ở Washington thêm tin tưởng rằng nếu Hoa Kỳ chịu loan báo tại hội nghị G8 rằng họ sẽ chính thức bắt đầu đàm phán với EU về hiệp định tự do thương mại chắc chắn là to lớn hơn hiệp định giữa EU và Canada, thì thời gian kết thúc đàm phán có thể ngắn hơn thời gian bốn năm đàm phán giữa EU và Canada, một chuyện mà Hoa Kỳ đang cần.”

Về vấn đề thuế, hội nghị G8 sẽ giải quyết vấn đề tránh thuế và trốn thuế. Chính phủ Anh nói rằng cần phải “củng cố các chuẩn mực quốc tế để giúp các quốc gia có thể thu được số thuế còn thiếu họ.” Muốn làm được chuyện này, cần phải có cơ chế trao đổi thông tin nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Một đề tài không kém quan trọng nữa, đó là tính minh bạch của những vụ sở hữu đất đai mà các công ty nước ngoài đã thu xếp với chính quyền của các nước đang phát triển:

“Trong vấn đề minh bạch, công việc chủ yếu ở đây là làm thế nào để các nước nghèo, nhất là các nước châu Phi, thực sự nhận được số tiền mà dầu khí hoặc chất khoáng của họ mang lại; thay vì số tiền đó bị thất thoát vào những vụ hối lộ, tham nhũng. Do đó, nếu mọi người đều công khai số tiền mà họ đã chi, thì điều đó rất tốt để giữ tiền của người châu Phi ở lại châu Phi để phục vụ cho người châu Phi.”

Trong những năm gần đây, nhiều người chỉ trích nhóm G8 không còn hợp thời, và cho rằng nhóm G20 hợp thời hơn. Nhưng chuyên viên Kirton nói rằng nhóm G8 đã khẳng định hiệu quả của mình trong cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua. Theo ông, thế giới đều cần cả hai nhóm.

“Điều mà chúng ta nhận thấy là Thủ tướng Cameron định nhân hội nghị này để bàn về thương mại, thuế, tính minh bạch, là những đề tài kinh tế quan trọng, và bên cạnh đó là phát triển và an ninh. Do đó, tôi cho rằng hai nhóm G8 và G20, mỗi nhóm có một hội nghị thượng đỉnh một năm, hai hội nghị này kết hợp với nhau vào thời buổi mà chúng ta không thể chỉ chờ đợi hoặc trông cậy vào một nhóm mà thôi.”

Chuyên viên Kirton làm cho Trung tâm Nghiên cứu nhóm G8, đặt tại trường đại học Toronto ở Canada.

VOA Express

XS
SM
MD
LG