Sự lây lan các ca bệnh về đường hô hấp trên trẻ em ở Trung Quốc và Việt Nam ‘không có gì đáng phải lo’, theo ý kiến của các chuyên gia, do nó là kết quả của việc thiếu miễn dịch tự nhiên trong giai đoạn phong tỏa chống dịch COVID-19 và hầu hết là ca bệnh nhẹ có thể chữa được.
Gia tăng ca bệnh
Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng các căn bệnh về đường hô hấp trong lúc họ bước vào mùa đông trọn vẹn đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt hồi tháng 12 năm ngoái.
Một số người trên mạng xã hội đã đăng hình ảnh trẻ em được gắn ống truyền tĩnh mạch trong bệnh viện, trong khi truyền thông ở các thành phố như Tây An đã đăng hình ảnh video cho thấy các bệnh viện chật ních, làm dấy lên lo ngại về hệ thống y tế có thể sẽ bị kéo căng.
Trong một chỉ thị được đưa ra hôm 4/12, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã kêu gọi các trường học tăng cường kiểm tra và báo cáo sức khỏe học sinh hàng ngày. Cơ quan này cũng yêu cầu các trường học nên phối hợp với các cơ quan y tế địa phương để tiến hành đánh giá rủi ro, tờ South China Morning Post cho biết.
Tình trạng này đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin hồi tuần trước sau khi dẫn một báo cáo của Chương trình Giám sát các căn bệnh mới xuất hiện (ProMED) về chùm các ca viêm phổi ở trẻ em.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm 13/11 rằng có sự gia tăng các ca bệnh hô hấp nhưng không nói rõ, theo Reuters.
WHO Trung Quốc nói với Reuters rằng ‘giới chức y tế Trung Quốc thông báo số ca bệnh hiện tại mà họ đang thấy không nhiều hơn mức đỉnh trong mùa lạnh gần nhất trước đại dịch COVID-19’.
Còn ở Việt Nam, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh được Tuổi Trẻ dẫn nguồn cho biết kể từ tháng 10 số ca trẻ em bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở các tỉnh, thành phía nam ‘tiếp tục tăng’ và có đến 60% số bệnh nhi ở các tỉnh khác phải chuyển viện đến thành phố Hồ Chí Minh.
Tuổi Trẻ cho biết khoa hô hấp tại các bệnh viện nhi ở thành phố này ‘đều đông bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp’ và ‘phải tăng cường thêm giường và nhân lực điều trị’. Các ca tử vong phần lớn do có sẵn bệnh nền như sinh non, nhẹ cân, phổi mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch…
Trong khi đó, tại miền bắc, do thời tiết trở lạnh khi đã vào mùa đông, số trẻ em nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp trong tháng 11 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước, cũng theo Tuổi Trẻ.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông báo hôm 23/11 rằng sự gia tăng số ca nhiễm bệnh đường hô hấp ở trẻ em ‘không có gì bất thường’ và đều là do ‘các virus đã lưu hành phổ biến nhiều năm qua’, chủ yếu là các virus cúm, vi rút hô hấp hợp bào RSV, enterovirus và human rhinovirus. Ngoài ra còn có tác nhân là vi khuẩn, trong đó có mycoplasma pneumonia.
Theo cơ quan y tế này thì hầu hết các em nhiễm bệnh ‘đều bệnh nhẹ’ và ‘có thể tự điều trị tại nhà’.
‘Nợ miễn dịch’
Trong một thông báo ngày 23/11, WHO cho biết các giới chức y tế Trung Quốc nói rằng sự gia tăng số ca nhập viện kể từ tháng 10 là do các mầm bệnh đã biết, chẳng hạn như adenovirus, virus cúm và RSV. Các mầm bệnh này chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, kể từ tháng 5 sự gia tăng số ca trẻ em nhập viện, nhất là ở các thành phố phía bắc như Bắc Kinh, chủ yếu lại là do mycoplasma pneumonia, chứng viêm phổi do vi khuẩn.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 tại WHO nói với các phóng viên hôm 6/12 rằng mycoplasma pneumonia không phải là căn bệnh cần phải báo cáo cho WHO, và nó đã gia tăng trong những tháng qua nhưng giờ dường đây như đang giảm.
Rajib Dasgupta, nhà dịch tễ học và giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói với Reuters rằng một số trường hợp nhiễm bệnh mycoplasma pneumonia có thể có các biến chứng nghiêm trọng, nhưng hầu hết các bệnh nhân sẽ hồi phục mà không cần kháng sinh.
Các bác sĩ ở Trung Quốc và các chuyên gia ở nước ngoài không quá lo lắng về tình hình ở Trung Quốc. Họ lưu ý rằng nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến sự gia tăng tương tự các căn bệnh về đường hô hấp sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
“Các ca bệnh mà chúng ta đang thấy không có gì bất thường vào lúc này, bởi vì nó vẫn là biểu hiện ho, cảm lạnh, sốt và tin tốt là nó thực sự có thể chữa được,” Cecille Brion, trưởng khoa nhi tại Tập đoàn Y tế Raffles Bắc Kinh, cho biết.
Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, không ngạc nhiên trước làn sóng lây lan này. “Đây là ‘sự gia tăng điển hình các căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính vào mùa đông’,” ông được tạp chí Nature dẫn lời nói.
“Nó đang xảy ra hơi sớm vào đầu năm nay, có lẽ là do mọi người dễ tổn thương hơn với nhiễm trùng đường hô hấp do ba năm áp dụng các biện pháp phòng chống COVID.”
Các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc và các biện pháp nhằm ngăn sự lây lan của COVID-19 đã ngăn các mầm bệnh theo mùa lây lan, khiến mọi người ít có cơ hội hình thành khả năng miễn dịch trước các mầm bệnh này, hiện tượng được gọi là ‘nợ miễn dịch’, Francois Balloux, nhà sinh học tại University College London, được Nature dẫn lời cho biết.
“Do Trung Quốc đã trải qua một đợt phong tỏa dài hơn và hà khắc hơn nhiều so với bất kỳ nước nào khác, nên có thể dự đoán rằng làn sóng ca bệnh sau phong tỏa sẽ rất nhiều ở Trung Quốc,” Balloux nói.
Sự bùng phát trở lại các căn bệnh hô hấp thông thường trong mùa đông đầu tiên sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và hạn chế đi lại là điều quen thuộc ở các nước khác. Hồi tháng 11 năm ngoái, số người nhập viện do cúm ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2010.
Điều bất thường, theo các nhà dịch tễ học, là tỷ lệ viêm phổi cao ở Trung Quốc. Trong khi ở các nước khác, khi các hạn chế chống dịch được nới lỏng, sự gia tăng các ca bệnh chủ yếu là cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Điều này là đáng ngạc nhiên vì nhiễm trùng do vi khuẩn thường mang tính cơ hội và xảy ra sau khi bệnh nhân đã nhiễm virus, nhà dịch tễ học Benjamin Cowling nói
.Mặc dù viêm phổi do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh, nhưng sự phụ thuộc quá mức vào kháng sinh này đã dẫn đến việc mầm bệnh tăng sức kháng cự. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kháng kháng sinh của mycoplasma pneumonia ở Bắc Kinh là từ 70 đến 90%. Tình trạng kháng thuốc này có thể góp phần tăng số ca nhập viện trong năm nay, do nó làm cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn và khiến bệnh nhân hồi phục lâu hơn, Cowling nói.
‘Phải bị mới miễn dịch’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Trương Hữu Khanh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh nguyên nhân trẻ em không có cơ hội phát triển miễn dịch tự nhiên trong giai đoạn bị phong tỏa do COVID-19.
“Thời gian giãn cách, tụi nhỏ tiếp xúc các tác nhân gây bệnh hô hấp thông thường giảm đi thì không có miễn dịch,” ông giải thích. “Đến khi tái hòa nhập trở lại thì trẻ em phải trả nợ miễn dịch mà tụi nó chưa có.”
Theo ghi nhận của ông là do thời gian giãn cách quá lâu nên hầu hết các nước đều bị, trong đó có Việt Nam.
“Ở trẻ con khi bị bệnh hô hấp thì sẽ lây rất nhanh,” ông cho biết và nhận định rằng bệnh này ở trẻ em ‘không tránh được’ và ‘phải bị rồi mới có miễn dịch’.
Theo lời ông thì các phụ huynh không nên lo sợ mà giữ trẻ ở nhà, không cho đến trường vì ‘ở trong nhà, trong xóm cũng lây được chứ không cần phải đến trường mới lây’.
“Đừng để làm sao một lúc nhiều đứa bị quá, gây quá tải cho bệnh viện,” ông khuyến cáo.
Trả lời câu hỏi tại sao trẻ em có nguy cơ cao hơn người lớn, bác sỹ Khanh nói: “Thông thường những virus cúm đó phần lớn người lớn hồi nhỏ đã bị rồi nên có miễn dịch rồi, nhưng mấy đứa nhỏ, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi, chưa từng tiếp xúc với virus đó trong khi miễn dịch được người mẹ cho cũng đã giảm.”
Nếu phụ huynh có con nhỏ bị mắc các chứng bệnh về hô hấp thì cần theo dõi cách thở, cách ăn uống của con và ‘thông thường 5-7 ngày thì hết bệnh’, cũng theo lời vị bác sỹ này.
“Trường hợp các em bị khó thở hay sốt quá cao hay đối với các em có bệnh nền sẵn thì mới đi bệnh viện,” ông nói.
Ông cũng nói không nên lo ngại về dịch lan tràn thành đại dịch vì ‘không phải là tác nhân mới’ nên ‘sau một thời gian sẽ lắng xuống’. “Khi những đứa trẻ bị bệnh có miễn dịch thì bệnh sẽ lắng xuống thôi,” ông nói thêm.
Diễn đàn