Một di dân người Eritrea tử vong sau khi trúng đạn của cảnh sát Israel vì bị lầm tưởng là nghi can trong vụ tấn công trạm xe buýt sau vụ một người sát hại một binh sĩ Israel và làm bị thương 10 người khác.
Nguồn tin cảnh sát cho hay một cảnh sát viên nhã đạn vào Mulu Habtom Zerhom vì tưởng anh là kẻ tấn công thứ nhì. Video nghiệp dư tại hiện trường cho thấy đám đông đã hành hung người đàn ông trúng thương này trong lúc nạn nhân đầm đìa máu nằm sóng soài trên trạm xe buýt Beersheba ở miền Nam Israel.
Truyền thông địa phương nói ông Zerhom là người xin tị nạn, khoảng 20 tuổi, đang có mặt tại thành phố này để làm thủ tục visa.
Các giới chức an ninh Israel hôm nay xác định kẻ tấn công đích thực là một người Israel gốc Ả Rập, 21 tuổi, không có tiểu sử hoạt động chủ chiến. Cảnh sát đã hạ sát hung thủ tại hiện trường.
Đây là vụ tấn công đơn lẻ đẫm máu nhất trong hơn 2 tuần bạo động của người Palestine chống lại người Israel, khiến 8 người Israel và 41 người Palestine tử vong.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay kêu gọi tự chế trong lúc ông sửa soạn họp với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, và Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, trong tuần này.
Ông Kerry nói “Chúng tôi muốn thấy trật tự được vãn hồi và chấm dứt bạo động. Tôi nghĩ mọi người ở Israel và trong khu vực đều muốn nhìn thấy cả hai điều này.”
Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Israel ‘có tất cả các quyền trên thế giới’ để bảo vệ công dân của mình trước các vụ bạo động ngẫu nhiên.
Làn sóng các cuộc tấn công của người Palestin nhắm vào người Israel khởi sự khi tin đồn lan ra trên khắp các khu vực của người Palestine rằng Israel đang âm mưu thôn tính một địa điểm ở phía Đông Jerusalem linh thiêng đối với tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo.
Người Hồi giáo gọi là đền Al-Aqsa và người Do Thái gọi là Đền Núi.
Ngoại trưởng Mỹ hôm nay tuyên bố rằng Israel đã nói rõ với ông rằng họ không có ý định thay đổi các luật lệ lâu nay quy định ai có thể và ai không thể thờ phượng tại địa điểm linh thiêng này.
Israel quy trách Hamas, chính quyền Palestine, và một nhóm gọi là Phong trào Hồi giáo, tung tin bịa đặt để kích động giới trẻ nổi loạn.
Nhưng người dân Palaestine đã quá chán ngán trước một viễn ảnh mờ nhạt về hòa bình, thiếu cơ hội kinh tế, và các hoạt động định cư của người Do Thái trên các vùng đất mà họ người Palestine muốn đặt một nhà nước tương lai.
Israel nói các hoạt động định cư của họ là cần thiết cho an ninh Israel và rằng không thể có hòa bình cho tới khi nào người Palestine công nhận quyền được tồn tại của Israel.