Đường dẫn truy cập

Di chứng lâu dài của COVID-19


Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này công bố định nghĩa về “COVID kéo dài”, từ dùng để mô tả các vấn đề sức khỏe dai dẳng ảnh hưởng một số người phục hồi từ COVID.

Thế nào là COVID kéo dài?

WHO định nghĩa COVID kéo dài là tình trạng bị ít nhất một triệu chứng thường khởi sự trong vòng ba tháng từ ngày bị nhiễm kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng các chẩn đoán khác. Các triệu chứng có thể bắt đầu trong lúc nhiễm bệnh hay xuất hiện lần đầu tiên sau khi bệnh nhân hồi phục.

Trong số những triệu chứng thường dai dẳng là mệt mỏi, hụt hơi, và có vấn đề về nhận thức. Những triệu chứng khác bao gồm đau ngực, có vần đề về khứu giác hay vị giác, yếu cơ bắp và loạn nhịp tim.

COVID kéo dài thường ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Định nghĩa của WHO có thể thay đổi khi có thêm chứng cứ mới và khi hiểu biết về chu kỳ của COVID-19 tiếp tục tiến hóa. Có thể có định nghĩa COVID kéo dài riêng nơi trẻ em, WHO nói.

Có thường gặp?

Chưa rõ số chính xác những ngưởi bị ảnh hưởng. Một cuộc nghiên cứu của Đại học Oxford trên hơn 270.000 người bình phục sau khi nhiễm COVID phát hiện 37% có ít nhất một triệu chứng dài hạn, các triệu chứng thường thấy hơn nơi những người phải nhập viện.

Một cuộc nghiên cứu khác của Đại học Havard với hơn 52.000 người sống sót COVID mà chỉ bị nhẹ hay không có triệu chứng, cho thấy tình trạng COVID kéo dài có thể ảnh hưởng thường xuyên hơn nơi những người dưới 65 tuổi.

Hơn 236 triệu ca nhiễm COVID đã được báo cáo tới nay, theo Reuters.

COVID kéo dài còn dẫn tới gì nữa?

Trong một cuộc nghiên cứu được đăng trên tạp chí Lancet, các nhà nghiên cứu Trung Quốc báo cáo là 12 tháng sau khi rời bệnh viện, từ 20% đến 30% bệnh nhân bệnh vừa phải và 54% bệnh nặng vẫn có những vấn đề về phổi.

Cuộc nghiên cứu của Harvard cũng phát hiện những chẩn đoán mới về tiểu đường và rối loạn thần kinh xảy ra nhiều hơn nơi những người có bệnh sử COVID so với những người không bị nhiễm.

Người bệnh có hết COVID kéo dài hay không?

Nhiều triệu chứng của COVID kéo dài biến mất theo thời gian, dù lúc đầu bị COVID-19 nặng. Tỉ lệ bệnh nhân vẫn còn có ít nhất một triệu chứng đã giảm từ 68% trong nửa năm còn 49% trong một năm, theo cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet.

WHO nói các triệu chứng COVID kéo dài có thể thay đổi theo thời gian và trở lại sau khi cho thấy có cải thiện sơ khởi.

Vaccine có giúp gì cho COVID kéo dài hay không?

Những cuộc nghiên cứu nhỏ cho thấy một số người bị COVID kéo dài chứng tỏ có cải thiện về triệu chứng sau khi được tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói cần phải có thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để xác định hiệu quả của vaccine đối với các tình trạng hậu COVID.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG