Số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt quá 200 triệu tính tới ngày 4/8, theo Reuters, trong lúc biến thể Delta lây nhiễm cao đang làm hệ thống y tế kiệt quệ và đe dọa những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Số ca nhiễm tăng mạnh trên toàn thế giới cho thấy sự cách biệt sâu rộng về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Số ca nhiễm tăng tại một phần ba các nước trên thế giới, nhiều nước trong số này chưa tiêm chủng được cho phân nửa dân số liều vaccine đầu tiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi các nước ngưng tiêm tăng cường liều vaccine thứ ba cho đến khi có ít nhất 10% dân số tại mỗi nước được tiêm chủng.
Biến thể Delta làm thay đổi hoàn toàn mọi giả thuyết về virus corona và làm xáo trộn các nền kinh tế. Các chuyên gia dịch bệnh vất vả điều nghiên xem liệu biến thể Delta có làm cho người ta bệnh nặng hơn trước đây hay không, nhất là những người chưa tiêm chủng.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ít nhất 2,6% dân số thế giới đã bị nhiễm bệnh, con số thực sự có thể cao hơn vì xét nghiệm còn hạn chế tại nhiều nơi. Giả sử đây là dân số của một nước thì đó sẽ là nước đông dân hàng thứ 8 trên thế giới, sau Nigeria, theo phân tích của Reuters.
Thoạt đầu, phải mất trên một năm số ca COVID mới lên tới mức 100 triệu, nhưng 100 triệu ca kế tiếp chỉ mất hơn nửa năm, theo cuộc phân tích của Reuters.
Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 4,4 triệu người trên toàn cầu.
Các nước báo cáo số ca nhiễm nhiều nhất trong trung bình bảy ngày- gồm Mỹ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Iran-chiếm khoảng 38% tổng số ca nhiễm báo cáo trên toàn cầu mỗi ngày.
Cứ 7 ca nhiễm báo cáo trên thế giới thì có 1 ca ở Mỹ. Các tiểu bang với tỉ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Louisiana đang chứng kiến số bệnh nhân COVID nhập viện kỷ lục, dù nước Mỹ đã tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 70% dân số.
Những người chưa tiêm chủng chiếm gần 97% số ca trầm trọng, theo Toán Đáp ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc.
Dịch tăng cao tại châu Á
Các nước Đông Nam Á cũng đang báo cáo số ca nhiễm gia tăng. Chỉ chiếm 8% dân số thế giới, nhưng khu vực này ghi nhận gần 15% số ca nhiễm trên toàn cầu mỗi ngày, theo phân tích của Reuters.
Indonesia, đối mặt với số ca COVID tăng gấp bội vào tháng 7, ghi nhận số ca tử vong trung bình nhiều nhất và hôm 4/8 nước này đã vượt quá 100.000 ca tử vong vì COVID. Cứ 5 ca tử vong báo cáo mỗi ngày trên thế giới thì Indonesia có 1 ca. Quốc gia Đông Nam Á này nhắm mở cửa dần dần nền kinh tế vào tháng 9, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin loan báo ngày 2/8 và nói rằng làn sóng lây nhiễm đã qua cao điểm và số ca xác nhận hàng ngày đang sụt giảm.
Sau khi hứng chịu đợt bùng phát tệ hại nhất hồi tháng 4-5, Ấn Độ lại một lần nữa chứng kiến khuynh hướng gia tăng số ca nhiễm. Ngày 30/7 vừa qua, nước này báo cáo có thêm 44.230 ca COVID, cao nhất trong 3 tuần, khiến người ta lo ngại về đợt dịch lần ba và một tiểu bang đã ra lệnh phong tỏa.
Thành phố Vũ Hán Trung Quốc, nơi virus xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2019, sẽ xét nghiệm COVID cho toàn thể 12 triệu dân sau khi xác nhận ca biến thể Delta nội địa đầu tiên. Thành phố này từ giữa tháng 5 năm ngoái không báo cáo ca lây nhiễm địa phương nào.
Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ lây nhiễm như trái rạ và lây lan dễ hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường hay bệnh cúm, Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói trong một tài liệu nội bộ.
Bác sĩ Gregory Poland, một khoa học gia về vaccine tại bệnh viện Mayo của Mỹ, cho biết vấn đề hiện nay là các vaccine dù ngăn chặn bệnh nhưng không chặn được lây nhiễm, vì không ngăn được virus nhân lên trong mũi.