Khi các đặc vụ DEA bắt được bọn buôn lậu ma túy, phần đông những người tham gia chiến dịch thuộc nam phái, nhưng nữ giới cũng thường đóng vai trò quan trọng, tại hiện trường cũng như trong nhiều mặt khác nhau của cuộc điều tra.
Có được các phụ nữ tham gia trong nhiều trường hợp có thể mang lại thành công nhiều hơn, tuy vậy DEA có rất ít nhân viên nữ để bố trí, và hiện đang làm một cố gắng trên cả nước để thu hút thêm nhiều phụ nữ vào hàng ngũ của mình nữa.
Mặc dù các cơ quan thi hành công lực lâu nay vẫn được coi là lãnh vực của nam giới, nơi các đấng nam nhi cứng cỏi thi thố tài năng, cơ quan DEA ngày nay là một tổ chức chú tâm vào việc tăng cường đào luyện và công tác đội ngũ. Theo nữ nhân viên kỳ cựu 23 tuổi Luann Tandy, các đặc vụ DEA cả nam lẫn nữ đều tôn trọng lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau trên hiện trường.
Cô Tandy nói: “Cho dù là nam hay nữ, chúng tôi đều được đào luyện y như nhau. Chúng tôi được huấn luyện để hành xử trong những tình huống cần được hành xử, chúng tôi làm thành một nhóm trong đó mọi người đều phải có đủ khả năng để làm chuyện phải làm.”
Cô Tandy đã trải nghiệm một thời gian dài đóng vai trò gay go nhất của DEA, đó là hoạt vụ giả trang. Cô đã phải thuyết phục bọn buôn bán ma túy để chúng tin rằng cô thuộc về thế giới của chúng, hòng lôi cuốn chúng vào những cuộc thương lượng rồi ghi âm làm chứng cứ để chống lại chúng sau khi bắt được chúng. Đó là một việc vô cùng gian nan nguy hiểm và theo Tandy thì còn cần có khả năng diễn xuất nữa.
Bà Tandy cho biết: “Cho dù tôi có giả trang và đóng vai một phụ nữ Mỹ trong giới buôn bán ma túy, thật sự tôi vẫn không phải thuộc về bọn họ, cho nên tôi cần phải biết chắc rằng tôi có thể thuyết phục được một kẻ thuộc dạng bất lương đường phố, rằng tôi cũng giống như họ. ”
Theo nữ đặc vụ Violet Szeleczky, hiện nay số phụ nữ của DEA chiếm chưa tới 10%, và DEA cần phải đạt được sự quân bình tốt hơn về giới tính.
Cô Szeleczky nói: “Những kẻ xấu có đủ cả nam lẫn nữ, cho nên số người tốt cũng cần hội đủ cả nam cả nữ như vậy.”
Mặc dù cô Violet Szeleczky nói rằng công việc điều tra thường lệ của DEA không phải lúc nào cũng thú vị như vừa nghe, mối hiểm nguy thỉnh thoảng xảy ra khiến các bà các cô ngại ngùng và gây khó khăn cho công việc tuyển mộ thêm nữ đặc vụ.
Cô Szeleczky nói: “Hàng ngày chúng tôi đi ra ngoài đường, và mạng sống của chúng tôi có thể bị đe dọa bởi vì bất kỳ khi nào chúng ta làm gì có dính dáng đến ma túy, bất cứ khi nào ta làm gì có liên quan đến một sản phẩm có thể khiến người ta trở nên giàu có, thì người ta sẽ sẵn sàng làm hại bất cứ ai cản đường. Chúng tôi đang tìm những người sẵn sàng hoàn thành sứ mạng của chúng tôi và sẵn sàng đối đầu với mối hiểm nguy đó.”
Theo cô Szeleczky, một thách thức đặc biệt đối với nữ nhân viên DEA là cân bằng công tác chống chọi với các tổ chức buôn lậu ma túy và nghĩa vụ làm người mẹ nuôi dạy con cái.
Cô Szeleczky nói tiếp: “Một nữ nhân viên DEA đồng thời là một người mẹ thật sự phải cố gắng gấp đôi hay gấp 3 lần nhiều hơn một nam nhân viên, khi phải xoay vần giữa gia đình và công việc.”
DEA có những khoản trợ cấp, nhất là dành cho phụ nữ mang thai, và cô Luann Tandy cho biết cô đã xoay xở được, bởi lẽ cô coi việc làm của mình là sứ mạng giúp bảo vệ trẻ em.
Cô Tandy cho biết: “Vào cuối ngày tôi trở về nhà với niềm hy vọng là con cái của ai đó cũng như các con tôi đang được an toàn hơn.”
Yêu cầu về các nhân viên đặc vụ DEA được huấn luyện thành thạo đã gia tăng trong vùng Houston, kể từ khi vùng này hồi năm ngoái được chỉ định làm mũi nhọn của một nỗ lực đa cơ quan liên bang, nhằm ngăn chặn những hoạt động của các băng đảng tội phạm có tổ chức của Mexico đang đưa lậu cần sa, cocaine, heroin và những loại ma túy khác qua biên giới Hoa Kỳ và Mexico. Phần lớn hàng lậu được đưa vào Houston để đóng gói lại và phân phối đi những nơi khác của Hoa Kỳ.
Những sự ganh đua giữa các băng đảng ma túy đã gây nên một làn sóng bạo động tại Mexico và xảy ra khá nhiều vụ giết chóc liên quan đến ma túy trong vùng Houston trong những tháng gần đây.
Cơ quan đứng đầu trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy tại Hoa Kỳ là Sở Bài trừ Ma túy, gọi tắt là DEA. Các nhân viên đặc vụ thuộc cơ quan này thường giả trang tìm cách lọt vào các tổ chức tội phạm để có thể bắt tại trận trong lúc chúng bán các sản phẩm phi pháp này, khiến đây là một công việc gian nan đầy nguy hiểm và thường được các mật vụ nam giới thực hiện. Trong số gần 4,800 nhân viên DEA, chỉ có khoảng 450 người là thuộc nữ giới, nhưng, theo tường trình của Thông tín viên Greg Flakus của VOA từ Houston, DEA đang muốn cải tiến tỉ lệ này.