Bắc Triều Tiên cho biết sẵn sàng cho phép 'một chuyến thăm chưa từng có' từ trước đến nay của các giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, song nhiều nhà phân tích đang tỏ ý nghi ngờ về sự thành thực của đề nghị.
Đề xuất được đưa ra tuần này trong các cuộc đàm phán lịch sử giữa các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên và một thanh sát viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên, ông Marzuki Darusman.
Đề nghị bất ngờ được coi là một bước quan trọng đối với chính quyền độc tài và hết sức khép kín, bị tố cáo phạm các tội ác chống nhân loại trong một phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng lời mời được đưa ra với một điều kiện quan trọng: Bình Nhưỡng muốn một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc theo đề xuất phải bỏ phần đề nghị kiện Bắc Triều Tiên về những vụ vi phạm nhân quyền tại Toà án Tội phạm Quốc tế ICC.
Nghị quyết sẽ được đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này. Theo dự kiến, nghị quyết sẽ dễ dàng được chấp thuận trong một cuộc biểu quyết vào tháng tới.
Nhiều nhà phân tích coi đề nghị của Bắc Triều Tiên là một mưu toan vào phút chót định ngăn chặn cuộc biểu quyết đó, và nhiều người nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bình Nhưỡng trong việc dành cho các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc quyền tự do tiếp cận.
Cũng có những nghi ngại về việc liệu các thanh sát viên có được phép đến các địa điểm xảy ra những vụ vi phạm tệ hại nhất của Bắc Triều Tiên, tỷ như các trại tù khét tiếng của họ. Không có sự bảo đảm đó, ông Kelly cho rằng việc mặc cả của Bắc Triều Tiên là không thể chấp nhận được.
Ông Kelly nêu câu hỏi: “Ta phải có một lời bảo đảm thực sự nghiêm túc là sẽ phải là một phái đoàn rất lớn đến Bắc Triều Tiên, và họ sẽ được nhiều quyền tự do đi lại. Và làm thế nào để bảo đảm sự tiếp cận ấy trước để khỏi bị lường gạt khi đã đến nơi?”
Về phần mình, ông Darusman hôm qua tuyên bố mọi chuyến thăm có thể thực hiện ở Bắc Triều Tiên, 'không thể chỉ là để đến thăm mà thôi'.
Ông nói: “Bất cứ chuyến đi nào cũng phải được thực hiện với quan điểm là cho phép báo cáo viên được tiếp cận bất kỳ địa điểm nào, cơ sở nào mà cộng đồng quốc tế coi là mối quan tâm chủ yếu.”
Ông Darusman cho biết ông đồng ý nói chuyện với những nước bảo trợ nghị quyết là Nhật Bản và Liên Hiệp châu Âu, về việc loại bỏ đề nghị đưa ra ICC. Nhưng các giới chức Nhật Bản và EU chưa cho biết đó có phải là một khả năng hay không.
Nếu đề nghị của Bình Nhưỡng bị bác bỏ, chưa rõ việc xúc tiến nghị quyết không có tính ràng buộc của Liên Hiệp Quốc có thể làm được vì, ngoài việc gây lúng túng cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Nếu nghị quyết được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì gần như chắc chắn sẽ bị phủ quyết bởi Trung Quốc, nước đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên. Kết quả là, đa số các nhà phân tích thừa nhận là nghị quyết sẽ khó lòng mà đưa đến việc truy tố các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Nhưng ông Kelly nói dù sao tiến bộ quan trọng đã đạt được, ngay cả khi kết quả cụ thể duy nhất là buộc Trung Quốc phải phủ quyết nghị quyết.
Ông nói: “Nó sẽ đặt áp lực đạo đức lên Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại về tai tiếng trên thế giới.”
“Nếu ta có thể vận dụng áp lực đó và nói với Trung Quốc rằng, ‘Hình ảnh của quý vị đang bị hoen ố vì sự kiện quý vị là quan thầy của Bắc Triều Tiên, và ai cũng biết rằng quý vị đang tiếp tay cho chế độ độc tài tệ hại nhất thế giới,’ thì hy vọng chúng ta có thể dùng ảnh hưởng ấy để Trung Quốc vạch ra một khoảng cách nào đó.”