Một đề nghị dành cho nhóm Hồi giáo nổi dậy lớn nhất ở Philippines được quyền tự trị nay nằm trong tay các nhà lập pháp. Các nỗ lực nhằm chấm dứt 4 thập niên xung đột đã làm 120 ngàn người thiệt mạng ở miền nam nhiều biến động với khối dân đa số là Hồi giáo đã đạt được tiến bộ trong những năm vừa qua, và đưa đến dự thảo luật trong tuần này, hiện vẫn còn phải đối mặt với những trở ngại chính.
Các chuyên gia phân tích cho hay văn phòng Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thực hiện một cuộc duyệt xét tường tận Bộ luật Cơ bản Bangsamoro được đề xuất, trước khi chuyển sang Quốc Hội trong tuần này.
Giám đốc tại Philippine của tổ chức Asia Foundation nói tổng thống đã thực hiện một bước thiết yếu mất rất nhiều thời giờ:
“Để ông có thể sử dụng toàn bộ vốn chính trị của ông mà nhấn mạnh đến việc thông qua dự luật. Và trong bối cảnh đó, triển vọng cơ bản đề dự luật được thông qua là khá tốt đẹp.”
Ông Rood nói chính quyền đã làm việc ráo riết để bảo đảm dự luật theo đúng hiến pháp.
Nhiều người vẫn còn nhớ rõ sự thất bại của văn bản ghi nhớ về thoả thuận năm 2008. Cách đây 6 năm, Tối cao Pháp viện đã quyết định rằng văn bản đề cập đến lãnh địa thừa kế đó là vi hiến. Sự kiện này đã khiến 2 vị chỉ huy tối cao của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro mở cuộc chiến nhắm vào các khu vực định cư của người Cơ đốc giáo. Hàng ngàn người đã chết và hơn 500 ngàn người bị thất tán.
Tuy nhiên, ông Rood nói đề nghị này cũng được trông đợi sẽ đối mặt với những thách thức ở Tối cao Pháp viện.
Bộ luật Cơ bản Bangsamoro đề nghị một hình thức chính quyền nghị hội ở đảo Mindanao với khối dân đa số là Hồi giáo. Đề nghị này nhắm mục đích giải quyết nhiều năm giao tranh giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ đã khiến cho vùng này bị suy đồi về kinh tế và gần như vô luật pháp.
Vùng tự trị mới được gọi là “Bangsamoro,” một từ do phe nổi dậy đặt ra để nhận diện những người Hồi giáo và không Hồi giáo gọi khu vực này là nơi sinh cư. (Moro là từ mà giới đô hộ Tây Ban Nha dùng để mô tả người Hồi giáo).
Dự thảo luật sẽ dành cho vùng này những quyền hành rộng rãi: kể cả khả năng sinh lợi, thành lập một lực lượng cảnh sát trực thuộc một hệ thống thi hành công lực quốc gia, và quản lý ngân hàng Hồi giáo theo luật lệ của Ngân hàng Trung ương. Chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm quốc phòng, ngoại giao và chính sách tiền tệ trong số các quyền khác của trung ương.
Ông Ramon Casiple là giám đốc điều hàn Viên Cải cách Bầu cử và Chính trị ở Manila. Ông nói có “một đám đông quan trọng” để thông qua dự luật, nhưng không phải là không có tranh cãi:
“Sẽ có hai bên đối nghịch ở đây. Những người thực sự muốn hạn chế thế lực và quyền hành của thực thể Bangsamoro mới, và những người thực sự muốn thực thể này bành trướng.”
Đối với ông Mussolini Lidasan, chỉ cần đưa được đề nghị vào đại sảnh của Quốc hội đã là một thành tựu. Ông Lidasan đứng đầu Viện Al Qalam của trường Đại học Davao. Ông là một nhà vận động cho hoà bình và sinh trưởng ở Maguindanao, một cứ địa của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro.
“Chúng ta biết rằng đa số những người trong Quốc hội không hiểu được lịch sử của toàn bộ chuyện này. Vì thế việcgiao tiếp với các đại biểu quốc hội của chúng ta sẽ là một công tác hết sức to lớn cho những người ủng hộ hoà bình, cho các tổ chức xã hội dân sự, và thậm chí các học giả.”
Ông Lidasan nói chính quyền sẽ phải thận trọng dò dẫm bởi vì một số người có thể so sánh đề nghị này với chính một hình thức hiến pháp, “về mặt lãnh thổ và tất cả các điều khoản khác trong dự luật.” Ngoài ra, ông cũng trông đợi sự chống đối từ phía các phe phái Hồi giáo nhỏ hơn như là Tiểu vương quốc Sulu, nhóm nói rằng việc họ khẳng định chủ quyền Sabah ở Malaysia gần đó không được đề cập đến trong khu vực được đề xuất.
Tuy nhiên, là người lớn lên trong một cộng đồng nơi súng ống thường giải quyết các tranh chấp, ông Lidasan ủng hộ việc thông qua dự luật. Và ông hy vọng nó sẽ vượt qua sự xăm xoi của tối cao pháp viện. Ông Lidasan nói việc theo đuổi tự quyết của người Hồi giáo đã được bàn đến từ đầu thập niên 1900 khi Philippines còn nằm dưới sự cai trị của Mỹ:
“Và nay chúng ta đã ở vào năm 2014, mà vẫn còn phải giải quyết vấn đề Moro. Chúng ta hy vọng đây sẽ là lần chót và là thoả thuận hoà bình chung quyết cho người Bangsamoro, nếu không thì chúng ta không thể đi tới.”
Chính quyền đang ráo riết làm việc để định hình khu vực Bangsamoro mới cho kịp các cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Trước thời điểm này, dự luật phải được thông qua tại Quốc hội, vượt qua những thách thức ở Tối cao Pháp viện và sống sót sau một cuộc trưng cầu dân ý cư dân trong vùng đó.