Từ đầu năm nay nhiều trận động đất lớn đã xảy ra: Haiti với cường độ 7.0 gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tài sản, rồi Chile với 8.8 cũng làm hư hại nhiều nhà cửa. Tuần rồi động đất ở biên giới Mexico - Hoa Kỳ với độ rung 7.2 nên từ Los Angeles, San Diego qua đến Las Vegas các tòa nhà cao đều đong đưa. Trận mới nhất xảy ra ngoài biển gần đảo Sumatra, Indonesia với cường độ 7.7.
Nói một cách khoa học thì chúng ta lúc nào cũng bồng bềnh trôi nổi - như cuộc đời của mỗi người - vì bề mặt quả đất là những mảng đá lớn đang chầm chậm trôi trên khối nham thạch nóng bỏng trong lòng địa cầu, sôi sục như nội tâm một người. Những tảng đá đụng vào nhau, cọ sát và thỉnh thoảng vì sức ép bên trong quá cao nên phải xả năng lượng, như khi một con người nổi giận. Sống gần những đường nứt, lúc đó chúng ta sẽ cảm nhận được độ rung, gọi là động đất và nhà cửa, đồ đạc, chén bát giao động. Nếu độ rung mạnh và kéo dài thì đồ đạc văng xuống đất, nhà cửa nghiêng ngả và có khi sụp đổ.
Nguyên vùng biển Thái Bình Dương là một mảng đá lớn, tròn tròn xoay quanh từ Châu Mỹ qua Châu Á. Các nhà khoa khọc gọi đây là “Ring of Fire” – một vòng tròn lửa. Nằm ven bên đường tròn là những quốc gia Nam Mỹ, Nhật Bản, Indonesia và các bang California, Oregon, Alaska là những xứ sở của chấn động địa dư.
Sống quanh vùng Vịnh San Francisco bạn đọc chắc đã ít nhiều lần cảm nhận được độ rung của đất, thường chừng 4.0 hay cao hơn một chút. Một trận địa chấn khá lớn xảy ra hơn 20 năm trước, vào lúc 5 giờ chiều ngày 17.10.1989 với độ rung 6.9 và trọng tâm của nó nằm gần Santa Cruz. Tuy xa trung tâm chấn động cả trăm dặm thế mà trên vùng Oakland, San Francisco cầu đường, xa lộ, nhà cửa sập. Nhưng đó chưa phải “Big One”, tức một trận động đất có cường độ 8.0 hay cao hơn mà những nhà khoa học đã dự đoán và đang lo sợ nó sẽ xảy ra trong một ngày không xa. Ai đã cảm nhận được độ rung của trận động đất năm 1989 thì sẽ hiểu được nỗi lo sợ của người dân Mexico, Haiti, Chile hay Indonesia mà họ đã trải qua.
Theo các báo cáo khoa học, trong vòng 30 năm tới California sẽ có một “Big One”. Vấn đề không phải là chuyện có sẽ xảy ra hay không, mà chỉ còn là vấn đề thời gian khi nào thôi.
Nhìn vào bản đồ địa chất, nhiều đường đất nứt cắt California theo chiều nam bắc của tiểu bang vàng, dài nhất là đường nứt San Andreas Fault kéo từ Los Angeles lên San Francisco. Lái xe trên xa lộ 280 từ San Francisco xuống San Jose là bạn đang chạy dọc theo triền núi và những thung lũng chính là đường nứt San Andreas đấy. Đi ngược lên mạn bắc, đường nứt vẫn theo những dãy núi trước khi đâm ra biển, chỗ đèn hải đăng ở mũi Point Reyes. Đường nứt này xuyên qua nhiều khu vực có đông cư dân nên chính phủ rất quan ngại về thiệt hại sinh mạng khi có động đất xảy ra. Chính vì thế các trường ở California thường cho học sinh thực tập báo động động đất, làm sao để được an toàn một khi cảm thấy đất rung.
Đường nứt thứ hai ở miền Bắc California có tên Hayward Fault vì chạy ngang thành phố này. Ai có nhà ở đây, nhiều chỗ sẽ thấy đất di chuyển chầm chậm chừng 2 cm một năm làm cho cửa bị gay khi mở, lề đường nứt nẻ trông thấy nhất là trên đường Mission. Ngoài ra còn li chi đường nứt ngắn ở những khu vực Alum Rock, Alamo và Calistoga bên phía tây và phía bắc của vịnh.
Với những trận động đất lớn gần đây, nhiều người liên tưởng đến phim “2012” được tung ra chiếu ở Mỹ cuối năm vừa qua.
Đây là một phim giả tưởng báo hiệu cảnh tượng trái đất vào cuối năm 2012, khi thiên tai động đất, núi lửa, sóng thần tsunami dồn dập xảy ra khắp nơi trên địa cầu. Tổng thống Barack Obama vì lo công tác cứu nguy cho dân mà không thoát được. Gia đình ông và một toán cố vấn lên được Air Force One nên thoát chết và được đưa đến một con tàu khổng lồ do Trung Quốc làm ra có thể chịu đựng nổi các cơn sóng thần cùng sức mạnh của những khối băng trôi. Vài nghìn người lên con tàu và đã được cứu sống, còn lại cả thế giới bị tiêu diệt bởi động đất, núi lửa và sóng thần. Khi sóng đã yên, biển lặng và lửa tắt thì trục quay của trái đất thay đổi, đỉnh điểm của những rặng núi cao nhất không còn là dãy Hymalaya mà chuyển qua Châu Phi.
Cảnh con tàu Trung Quốc và đoàn người sống sót sau thiên tai khủng khiếp thì giống như con tàu của ông Noah sau trận đại hồng thủy trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo.
Theo lịch Maya ngày 21.12.12 là ngày tận thế, chính xác hơn là vào lúc 11 giờ 11 phút tối hôm đó. Maya là một nền văn hóa cổ xưa và người Maya nay cũng đã biến mất, chỉ còn để lại nhiều di tích ở Mexico nổi bật là kim tự tháp Chichén Itzá xây từ nhiều thế kỉ trước, nay được công nhận là một trong bảy kì quan nhân tạo của thế giới. Khu di tích cổ này nằm cách trung tâm du lịch Cancún khoảng 200 cây số.
Trong dịp đi chơi Mexico tôi có tham quan kim tự tháp và nhận ra đây là một kì quan biểu hiện một nền văn minh cao qua kiến trúc, thiên văn đã được người Maya áp dụng cách nay cả 17 thế kỉ. Những nhà nghiên cứu lịch Maya tiên đoán rằng ngày 21.12.12 là lúc các hành tinh cùng nằm trên một đường thẳng và do bởi súc hút và từ trường phát ra, quả đất sẽ bị những thiên tai khủng khiếp. Có nhiều người tin vào thời điểm đó.
Còn theo Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo thì không ai biết được khi nào là ngày tận thế, tức là lúc Chúa Ki-tô trở lại. Những ai tin cần chuẩn bị, luôn sống tốt đẹp với chính mình và tha nhân vì lúc Ngài trở lại cũng bất ngờ như sự chết.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Lính Triều Tiên tập trung ở Nga, 'sớm' tham chiến chống Ukraine
2Trump bổ nhiệm CEO của Viện Chính sách nước Mỹ trên hết làm Bộ trưởng Nông nghiệp
3Nhà hoạt động môi trường Campuchia bị bắt khi điều tra nạn khai thác gỗ trái phép
4Phó tổng thống Philippines nói sẽ cho người ám sát tổng thống nếu bà bị giết
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!