Ngọc Lễ
Thời kỳ Lào ồ ạt cho xây các đập thủy điện trên sông Mekong khó có thể kéo dài trước những diễn biến mới trên thị trường năng lượng tái tạo, các nhà nghiên cứu tại một viên nghiên cứu hàng đầu của Mỹ nhận định.
Các đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mekong như đập Xayaburi lâu nay vẫn bị chính phủ Việt Nam phản đối mạnh mẽ do những tác động tiêu cực đối với sinh kế, môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự suy thoái của thủy điện ở Lào bao gồm giá thành của năng lượng tái tạo ngày càng giảm, nhận thức của người dân Lào về những tác hại môi trường ngày một nâng cao trong khi Lào sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường năng lượng khu vực. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại Viện Stimson, một viện nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington DC (Mỹ), đưa ra tại buổi thảo luận về những xu hướng mới trong thị trường năng lượng tiểu vùng sông Mekong hôm 25/7.
“Đã đến lúc tạm dừng các dự án đập thủy điện để tính tới các xu hướng mới trong ngành năng lượng,” ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson nói trong buổi thảo luận. Ông Eyler chỉ dùng chữ “tạm dừng” chứ không phải “chấm dứt hẳn”.
Ông Eyler cùng đồng nghiệp của ông ở Viện Stimson, bà Courtney Weatherby, vừa trở về từ một chuyến đi thực tế đến Lào và các nước Đông Nam Á để chuẩn bị cho một bản báo cáo nhan đề “Lá thư từ Mekong – Sự thay đổi trong ngành công nghiệp năng lượng: Những xu hướng mới trong ngành năng lượng của tiểu vùng sông Mekong”.
“Lào không còn suy tính sẽ xây dựng đập thủy điện kế tiếp ở đâu nữa. Nhà chức trách của Lào đã bắt đầu đưa các đập thủy điện ra khỏi bản đồ (hoạch định chiến lược năng lượng) và thay bằng các dự án điện mặt trời hay điện gió,” ông Eyler cho biết về những gì mà ông rút ra sau chuyến đi.
Bà Weatherby nói rằng mặc dù hiện tại thủy điện và nhiệt điện vẫn đang chi phối ngành công nghiệp năng lượng của Lào nhưng quốc gia này vẫn không có kế hoạch toàn diện về phát triển ngành năng lượng.
“Nhiều dự án (thủy điện) vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Đợi đến khi nghiên cứu xong thì lúc đó giá năng lượng mặt trời đã trở nên rất rẻ rồi,” bà Weatherby phân tích, “Do đó không có lý gì để tiếp tục triển khai các dự án đập thủy điện khi mà nó đã mất tính cạnh tranh.”
Nhận định này cũng được ông Eyler chia sẻ. Ông nói rằng phải mất từ 7 đến 10 năm để hoàn thành một đập thủy điện và khi đó thì nhiều khả năng nó không còn sinh lợi nữa, với tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo như hiện nay.
Báo cáo của Viện Stimson cho biết giá thành của năng lượng tái tạo đang giảm với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Chỉ tính riêng trong hai năm 2015-2016, giá năng lượng mặt trời đã giảm 13% và giá năng lượng gió đã giảm 10,75%.
Lào lâu nay vẫn xem xuất khẩu điện là nguồn thu nhập chính. Sự phát triển nhanh chóng của thủy điện ở nước này xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu điện chứ không phải nhu cầu sử dụng trong nước. Thái Lan là khách hàng chính mua điện của Lào và cũng là những nhà đầu tư lớn vào các công trình thủy điện ở nước này. Giá thành của thủy điện và lợi nhuận nó đem lại là yếu tố chính chi phối quyết định của các nhà đầu tư khi tham gia vào các đập thủy điện Lào. Nói cách khác, Lào phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà đầu tư nước ngoài vốn rất nhạy cảm với chuyện lời lỗ trong kế hoạch xây các đập thủy điện.
Một yếu tố nữa cũng sẽ dẫn đến sự suy thoái của các đập thủy điện là ý thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao, các nhà nghiên cứu nói.
“Người dân Lào hiểu rõ những nguy cơ của các dự án nhiệt điện và thủy điện nên họ ngày càng có nhiều cuộc phản đối,” bà Weatherby nói và cho biết biến đổi khí hậu dù chưa trở thành một vấn đề chính trị ở Lào nhưng đã là một nhân tố phải tính đến khi quy hoạch các đập thủy điện.
Hơn nữa, thị trường năng lượng ngày càng tiến triển theo hướng không có lợi cho tham vọng của Lào trở thành “Nguồn điện của khu vực” (Battery of Southeast Asia), theo các nhà nghiên cứu. Miến Điện và Campuchia đang nổi lên trở thành những nhà cung cấp điện cho khu vực với tiềm năng lớn, cạnh tranh mạnh mẽ với Lào. Trong khi đó, với sự phát triển ồ ạt của các dự án thủy điện ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hiện đã dư thừa điện và được dự đoán sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu điện.
“Chỉ cần phân nửa số dự án được đề xuất ở Miến Điện đi vào hoạt động thì nước này cũng đã dư thừa điện rồi. Trong khi đó, Campuchia có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Campuchia hy vọng sẽ trở thành trung tâm năng lượng mặt trời của khu vực đông nam Á,” bà Weatherby nhận định.
“Các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với các nhà hoạch định chính sách, các nhà phát triển dự án, các nhà đầu tư, các nhà khoa học và các nhóm dân sự xã hội đã cho thấy các nguy cơ chính trị và chi phí kinh tế ngày càng tăng của việc phát triển năng lượng truyền thống. Giờ đây sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và những diễn biến mới trong thị trường năng lượng khu vực đang thay đổi bức tranh năng lượng toàn cầu một cách nhanh chóng,” báo cáo của Viện Stimson cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng nhận định rằng các nước trong khu vực không có sự thích nghi nhanh chóng với thay đổi này. Báo cáo viết: “Ít chính phủ trong lưu vực sông Mekong đang xem xét nghiêm túc những cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng. Các kế hoạch năng lượng quốc gia tiếp tục xoay quanh các mô hình truyền thống với các dự án nhiệt điện và thủy điện quy mô và tập trung”.
“Đa số các nhà hoạch định (chiến lược năng lượng) trong khu vực vẫn cho rằng giá thành năng lượng gió và mặt trời sẽ không thay đổi đáng kể trong những năm tới,” báo cáo nhận định.
Trao đổi với VOA Việt ngữ bên lề cuộc hội thảo, ông Brian Eyler nói rằng mặc dù những thay đổi trên thị trường năng lượng vẫn chưa được phản ánh trong chiến lược và chính sách năng lượng trong khu vực, nhưng ông tin rằng điều đó sẽ sớm xảy ra và ông đã chứng kiến sự thay đổi đó ở Campuchia.
Đối với Lào, ông Eyler cho biết “Chính phủ Lào vẫn đang xếp hàng để xây dựng các đập thủy điện và tạo điều kiện thuận lợi để các đập thủy điện ra đời” cho nên muốn có sự thay đổi trong chính sách thì cần phải có “sự tái cấu trúc trong ngành năng lượng của Lào”. Nếu không, với sự phụ thuộc lớn vào thủy điện, khó có khả năng Lào chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
Nếu Thái Lan (khách hàng mua điện lớn của Lào) nghiêm túc xem xét chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và chú trọng vào hiệu quả năng lượng thì họ sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Lào trong các dự án đập thủy điện của họ, ông Eyler cho biết.
Hiện nay, Lào đã bắt đầu quan tâm đến năng lượng tái tạo và Lào có tiềm năng lớn về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, ông nói thêm. Vẫn theo lời ông, Lào đã xây dựng một nhà máy điện tái tạo công suất 600MW ở miền Nam và sản lượng điện này sẽ được xuất sang Thái Lan, Việt Nam cũng như tiêu dùng trong nước.
“Điều này cho thấy các dự án phát triển thủy điện đang chậm lại,” ông nói. “Khi mà những quả ngọt của các dự án thủy điện lớn và có sinh lời về mặt kinh tế đã được gặt hái thì ít có khả năng Lào sẽ xây dựng các đập thủy điện mới,” Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson dự báo.