Đường dẫn truy cập

Đánh dấu 40 năm ngày 30/4 tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh VN ở Washington


Thượng nghị Sĩ Jim Webb và phu nhân, và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phát biểu trong buổi lễ đánh dấu 40 năm ngày 30 tháng 4 tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh VN trong thủ đô Washington, 30/4/1975
Thượng nghị Sĩ Jim Webb và phu nhân, và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phát biểu trong buổi lễ đánh dấu 40 năm ngày 30 tháng 4 tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh VN trong thủ đô Washington, 30/4/1975

Lễ đánh dấu 40 năm ngày 30 tháng 4 được được cộng đồng người Mỹ gốc Việt tổ chức trang trọng tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến, và cũng là dịp kêu gọi tiếp tục nỗ lực cho sự nghiệp dân chủ và tự do.

Các quân nhân TQLC Mỹ, giúp đưa người VN di tản từ trực thăng ra tàu Hải Quân Mỹ ngày 30 tháng 4
Các quân nhân TQLC Mỹ, giúp đưa người VN di tản từ trực thăng ra tàu Hải Quân Mỹ ngày 30 tháng 4

Nhiều cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, các cựu chiến binh Mỹ trở về sau cuộc chiến, những người rời Việt Nam trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, và những thuyền nhân Việt Nam cùng với thế hệ trẻ đến tham dự lễ đánh dấu 40 năm ngày 30 tháng 4 ở thủ đô Washington.

Cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb, một cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến, đã bắt đầu câu chào tiếng Việt, mở đầu phát biểu với các cựu chiến hữu mà ông gọi là "anh em cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa ," tại buổi lễ diễn ra ngay bên Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam ở Quảng trường Quốc gia của thủ đô Washington:

"Bức tường này mà người ta thường gọi là 'Bức tường Đen,' ghi tên trên 58 ngàn người Mỹ nằm xuống trong Chiến tranh Việt Nam," Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Nghị hội Toàn quốc Người Việt ở Hoa Kỳ nói.

"Ngắm nhìn bức tường Đài tưởng niệm Cựu Chiến binh Chiến tranh Việt Nam, được lập lên để vinh danh các chiến binh Mỹ hy sinh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, chúng tôi nhớ rõ sự hy sinh trong cuộc chiến của các chiến hữu của chúng tôi – cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa – nhiều chiến hữu đó có mặt ở đây hôm nay," ông Jim Web nói. "Nếu có một bức tường ghi tên các chiến hữu đã hy sinh mạng sống cho cuộc chiến tranh vì lý tưởng dân chủ, và tự to, thì bức tường đó phải lớn gấp 4 lần bức tường này. Thành thực mà nói, nếu như có một bức tường để ghi tên các chiến binh Cộng sản bên kia chiến tuyến của chúng tôi, thì bức tường đó phải lớn gấp 24 lần bức tường này."

Người Việt chúng ta cũng có những kinh nghiệm, [được] nói rất gọn ghẽ, 'trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ,' Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói. "Tức là bia đá thì có thể mòn, nhưng cái kỷ niệm trong lòng của người dân, của lịch sử, trên bàn thờ của mỗi một gia đình có con em nằm xuống cho cuộc chiến thì vẫn được duy trì – gọi là ký ước dân tộc của Việt Nam thì rất bền bỉ, rất là xa. Tôi cho đó là kỷ niệm đài vững vàng nhất trong lòng người."

Bức tường đá đen
Bức tường đá đen

Trước đó trong ngày, Việt Nam đã tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4 trước Dinh Độc Lập cũ ở Sài Gòn, nay là Hội trường Thống Nhất. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói:

"Năm nay đã 40 năm qua rồi. 40 năm thì đáng lẽ cái vết thương lòng do chiến tranh phải được hàn gắn phần nào, nhưng mà ở trong nước [Việt Nam] giờ này vẫn cho cả nước nghỉ đến 6 ngày để đánh dấu cái gọi là chiến thắng của miền bắc đối với miền nam, thì đó là một việc làm vô cùng thất nhân tâm, và không thể đóng góp được bao nhiêu cho sự hàn gắn trong cuộc chiến của đất nước chúng ta."

Cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng kêu gọi tiếp tục nỗ lực hàn gắn và hòa hợp sau cuộc chiến tàn khốc:

"Tôi kêu gọi các bạn, tất cả các bạn, giúp sức cho chúng tôi và những người khác tiếp tục nỗ lực mà chúng tôi đã làm để mang lại sự hòa hợp tại nơi đã khiến các bạn phải nhảy xuống biển – thế hệ người Việt thứ nhất ở nước ngoài trong lịch sử của Việt Nam. Chúng ta có thể chung sức với nhau, để xây dựng dân chủ tại quê hương mến yêu của các bạn."

Trả lời đài VOA về thông điệp gởi cho chính phủ Việt Nam nhân đánh dấu 40 năm sau chiến tranh, ông Jim Webb nói "Đến lúc [Việt Nam] phải tạo dựng hòa bình với người dân [Việt Nam]. Bản thân tôi đã nỗ lực cho sự nghiệp đó từ năm 1991, để tạo ra một sự tương kính giữa đôi bên, trong đó có những người Việt hải ngoại ở đây."

Giữa ngã rẽ thời đại - Phóng sự đặc biệt
please wait

No media source currently available

0:00 0:15:32 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG